Nạn tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đang có xu hướng gia tăng.
Nhiều học sinh tại đây đã lựa chọn cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ vì nhiều lý do, trong đó áp lực từ nhà trường, gia đình và các mối quan hệ xã hội là những nguyên nhân hàng đầu.
Tờ Văn hối số ra mới đây dẫn số liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phòng chống tự tử thuộc Đại học Hong Kong cho biết trong năm ngoái, tỷ lệ tự tử tại Hong Kong là 12,4 người/100.000 dân, thấp hơn so với năm liền kề trước đó và cũng thấp hơn tỷ lệ trung bình của thế giới.
Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 15-24 tự tử là rất đáng báo động tại Hong Kong, tăng 76,1% trong thời gian từ năm 2012-2016.
[Cô bé Trung Quốc lớp 6 nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành]
Riêng trong năm 2016, trung bình cứ 100.000 học sinh thì có 8,1 em tự tử, trong đó nguyên nhân liên quan tới kết quả học tập và bệnh tâm thần của học sinh theo diện học bán trú tại trường đều cao hơn so với năm 2015.
Ngoài ra, cũng có nhiều vụ học sinh tự tử liên quan đến hoàn cảnh gia đình, vấn đề tình cảm và tài chính.
Ông Paul Yip Siu Fai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phòng chống tự tử, cho biết xu hướng gia tăng tỷ lệ tự tử học đường là rất đáng báo động, cho thấy vai trò của nhà trường trong việc phòng chống nguy cơ học sinh, sinh viên tự tử ngày càng giảm đi.
Ông kiến nghị chính quyền Hong Kong tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, cung cấp nhiều không gian cho các em hoạt động thể chất, có diễn đàn để chia sẻ cùng những định hướng tương lai rõ ràng để học sinh lựa chọn./.