Tranh chấp vàng đen

"Vàng đen" làm nóng tranh chấp Falklands/Malvinas

Trước đây, tranh chấp tại quần đảo Falklands/Malvinas giữa Anh và Argentina chủ yếu xoay quanh nguồn cá, nhưng giờ là dầu mỏ.
Ba thập kỷ sau cuộc chiến tranh Falklands/Malvinas, những hứa hẹn về nguồn dầu mỏ ở khu vực xung quanh quần đảo này đã làm bùng lên căng thẳng giữa Anh và Argentina trong khi đồng thơi khơi lên hy vọng về sự thịnh vượng cho người dân trên đảo.

Nhà văn người Argentina, Jorge Luis Borges, đã so sánh cuộc chiến chớp nhoáng giúp Anh giành quyền kiểm soát quần đảo ở nam Đại Tây Dượng này năm 1982 (2/4/1982) với việc hai người hói đầu tranh nhau một cái lược, nhưng việc phát hiện ra nguồn “vàng đen” 16 năm sau đã khiến nhận xét đó không còn đúng.

“Trong quá khứ vấn đề là nguồn cá, và đã có một thỏa thuận vào những năm 1990 cùng khai thác chung”, Victor Bulmer-Thomas, thuộc tổ chức phân tích chính sách đối ngoại Chatham House, phân tích trên AFP. “Nhưng giờ vấn đề là dầu mỏ, là một hàng hóa có tính chính trị rất cao”.

Những cuộc thăm do từ 14 năm trước, do hãng năng lượng khổng lồ Anh-Hà Lan Shell tiến hành, đã cho thấy có dầu mỏ ở các vùng nước ngoài khơi Falklands, mà Argentina gọi là Malvinas. Vào thời điểm đó giá dầu chỉ là không tới 10 USD một thùng (so với 125 USD một thùng hiện nay) và Shell đã chấm dứt thăm dò với lý do lợi nhuận không đủ.

Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh đã lôi kéo sự chú ý của ít nhất năm tập đoàn nước ngoài trở lại đây. Trong sự giận dữ của Argentina, việc khoan thăm dò nối lại vào năm 2010 với sự tham gia của các công ty Anh Rockhopper và Desire Petroleum. Ba công ty nhỏ khác cũng tham gia, nhưng đến giờ chỉ Rockhopper, đặt theo tên một trong những giống chim cánh cụt đặc hữu của đảo, phát hiện ra những mỏ dầu với trữ lượng đáng kể ở phía bắc quần đảo.

Rockhopper lên kế hoạch khai thác khu vực này trong năm nay và dự kiến sẽ khai thác những thùng dầu thương phẩm đầu tiên ở khu mỏ Sea Lion (Sư tử biển) với trữ lượng 450 triệu thùng vào năm 2016, theo các phân tích của hãng điều tra thị trường Edison Investment Research (EIR).

“Sea Lion hiện có trữ lượng gần tương đương mỏ dầu lớn nhất trong lịch sử được phát hiện ở biển Bắc Anh, mỏ Buzzard”, EIR nói trong một thông báo vào tháng 3. Trong khi đó những công ty hoạt động ở mỏ Southern Basin, nơi các mũi khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện trong năm nay, hy vọng tìm ra những mỏ với trữ lượng đến tám tỉ thùng.

Kho báu này vượt xa mọi mỏ dầu trong lãnh hải Anh hiện giờ. Dự kiến trữ lượng dầu ở biển Bắc chỉ còn lại ba tỉ thùng, nên Anh càng có động lực để giữ chặt quần đảo Falklands, một vùng lãnh thổ nhỏ bé nằm cách chính quốc 12.900 km.

EIR nói nếu trữ lượng 8,3 tỉ thùng là có thực, dầu mỏ có thể mang về tổng cộng 180 tỉ USD cho chính quyền địa phương Falklands nhờ thuế và các khoản trợ cấp. Tuy nhiên, Argentina khẳng định vào tháng 3 sẽ có hành động pháp lý chống lại năm công ty đang thăm dò dầu mỏ ngoài khơi Malvinas, theo cách gọi của họ.

Nhưng Bulmer-Thomas nói các công ty này, đều đặt trụ sở ở Anh hoặc Stanley, thủ phủ Falklands, không e ngại nhiều các đe dọa đó. Dẫu vậy, các tổ chức môi trường nói khai thác dầu có thể làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái vốn đã mong manh của quần đảo./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.