Về cán cân quan hệ kinh tế-chính trị trong khối BRICS

BRICS vẫn tiếp tục chèo lái một tiến trình chuyển biến kinh tế thế giới trong đó nổi lên yếu tố sản xuất khoa học, cuộc đua tranh về công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực chiến lược...
Về cán cân quan hệ kinh tế-chính trị trong khối BRICS ảnh 1(Từ trái sang): Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa chụp ảnh chung tại cuộc họp lãnh đạo các nước nhóm BRICS ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bình luận của mạng tin celag.org thuộc Trung tâm nghiên cứu địa chiến lược Mỹ Latinh, Hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa qua tại Brazil đã diễn ra trong bối cảnh khu vực đầy biến động, với cuộc đảo chính tại Bolivia, sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng đối với các chính phủ theo đường lối tự do mới tại Chile và Ecuador và chiến thắng của đảng tiến bộ tại Argentina.

Mặt khác, cần phải phân tích những thỏa thuận và nghị quyết của cuộc gặp thượng đỉnh này với ý thức về sự tham dự ngày càng ít nhiệt tình hơn của Brazil vào cơ chế trong những năm qua.

Kể từ cuộc đảo chính tư pháp-nghị viện chống lại cựu Tổng thống Dilma Rousseff, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ đã từ bỏ vai trò là tác nhân then chốt trong cuộc chơi địa chính trị toàn cầu để ưu tiên theo đuổi những lợi ích công-tư của Mỹ.

“BRICS của nhân dân”

Tuy nhiên, BRICS vẫn tiếp tục chèo lái một tiến trình chuyển biến kinh tế thế giới trong đó nổi lên yếu tố sản xuất khoa học, cuộc đua tranh về công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực chiến lược và khả năng thay đổi quy định của các tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

BRICS là một cơ chế hợp tác giữa các nước mới nổi trong vài thập kỷ qua và mang đặc trưng là chia sẻ nhiều lập trường, đặc biệt là trong khía cạnh tìm kiếm có vai trò chủ đạo hơn trong các tổ chức của hệ thống toàn cầu như Liên hợp quốc hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng đồng thời cũng là để tìm kiếm nguồn tài chính, thúc đẩy ngân hàng phát triển của riêng mình.

Khối này chiếm 42% dân số thế giới, 23% GDP, 30% lãnh thổ và 18% thương mại toàn cầu. Ngoài ra, khối còn tập hợp những cường quốc về năng lượng (Nga về khí đốt, Trung Quốc về than, Brazil về dầu mỏ) và nắm quyền kiểm soát những trữ lượng khoáng sản chiến lược, gồm cả “đất hiếm” - một trong những điểm đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc.

[Dấu hỏi về vai trò của nhóm BRICS như một khối kinh tế]

Khẩu hiệu của hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này là “tăng trưởng kinh tế cho một tương lai sáng tạo.” Theo Chính phủ Brazil, những ưu tiên của hội nghị gồm hợp tác về khoa học, công nghệ và sáng kiến; củng cố hợp tác trong kinh tế số, hợp tác chống các hình thức phạm tội xuyên quốc gia như tội phạm có tổ chức, rửa tiền và buôn bán ma túy; và khuyến khích quá trình tiếp cận giữa Ngân hàng BRICS và Hội đồng doanh nghiệp của nhóm.

Song song với cuộc họp cấp cao chính thức, cũng diễn ra diễn đàn quốc tế giữa các dân tộc, còn được gọi là “BRICS của nhân dân.” Trong tuyên bố của diễn đàn này, đáng chú ý có lời tố cáo chống lại cuộc đảo chính tại Bolivia, lập trường của Brazil về cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba, các hành động công kích nhắm vào Venezuela, sự tàn phá môi trường, xu hướng gia tăng đầu tư quân sự và quá trình săn đuổi chính trị chống lại cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Còn trong tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh chính thức, 5 nguyên thủ của các nước thành viên đã nhấn mạnh nhu cầu củng cố và cải cách hệ thống đa phương quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, WTO, IMF. Đặc biệt, các nước BRICS đề cao cam kết với hệ thống thương mại đa phương và sự cần thiết phải tránh những biện pháp đơn phương và mang tính bảo hộ.

Nhóm cũng khẳng định tầm quan trọng của Ngân hàng Phát triển mới, chủ yếu để cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng cơ sở và phát triển bền vững. Các nguyên thủ cũng bày tỏ cam kết với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và lên án chủ nghĩa khủng bố - hiện tượng cần được đấu tranh một cách phù hợp với Luật pháp quốc tế.

Về cán cân quan hệ kinh tế-chính trị trong khối BRICS ảnh 2Tổng thống Nga đề xuất sử dụng đồng ruble làm đồng tiền của BRICS. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng bày tỏ quan ngại trước nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, nhấn mạnh nhu cầu cần thực hiện các hoạt động thăm dò và sử dụng tài nguyên vũ trụ vì mục đích hòa bình. Văn bản này cũng cho rằng tình hình chính trị tại nhiều nơi trên thế giới, như Syria, Triều Tiên và Afghanistan, nhưng lại bỏ qua Venezuela, Chile và cuộc đảo chính tại Bolivia.

Vai trò của Brazil trong khối BRICS

Trong các chính phủ của Đảng Lao động (PT) trước đây, Brazil thường tham gia với vai trò ngang bằng với các cường quốc mới nổi khác của khối BRICS trong việc hoạch định cơ chế mới của nền kinh tế thế giới.

Vai trò chủ đạo của Brazil trong khối này, ở một góc độ nào đó, cũng đồng nghĩa với việc sự tham gia của cả Nam Mỹ vào dự án cải tổ hệ thống thế giới này. Ví dụ, một công cụ quan trọng từng được nhóm đưa ra là Ngân hàng BRICS, với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc đảo chính nghị viện-tư pháp lật đổ cựu Tổng thống Dilma Rousseff, quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ đã không còn duy trì định hướng trở thành một nhân tố then chốt trong địa chính trị toàn cầu, và ngày càng nghiêng về phía phục vụ lợi ích của thành phần công-tư của Mỹ.

Ngoài việc bỏ phiếu ủng hộ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba tại kỳ họp vừa qua của Đại hội đồng Liên hợp quốc (lần đầu tiên một quốc gia Mỹ Latinh đưa ra quyết định này), quá trình xích lại gần nhau giữa Brazil và Mỹ ảnh hưởng then chốt tới khu vực.

Số lượng lớn các kế hoạch tư hữu hóa trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở là rất quan trọng đối với giới tư bản Mỹ, thêm vào đó là các liên minh quân sự mới, bước tiến triển trong cuộc thương lượng về việc Mỹ thuê căn cứ không gian Alcantara của Brazil và khả năng ngày càng lớn về một “liên minh chiến lược Mỹ-Brazil.”

Về phần mình, chính sách của Trung Quốc tại Mỹ Latinh tiếp tục đi theo công thức 1+3+6: 1 chiến lược, 3 động cơ (thương mại, đầu tư và hợp tác) và 6 lĩnh vực ưu tiên (năng lượng và tài nguyên, hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, chế tạo, sáng kiến khoa học và công nghệ, và công nghệ thông tin).

Chiến lược Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh gần đây đang tìm cách tích hợp một số nước Mỹ Latinh, cùng với các đối tác châu Á. “Cây cầu trên bộ” này đang tái định hình về địa chiến lược lục địa Á-Âu, khi nối liền các hải cảng của Thái Bình Dương tại miền Viễn Đông của Nga và bờ biển phía Đông Trung Quốc, với các hải cảng của châu Âu, ngoài ra còn với tầm nhìn tới một tuyến hàng hải huyết mạch tới châu Phi.

Sự tham gia của Nam Mỹ chủ yếu là trong khía cạnh thay đổi cấu trúc hệ thống đường sắt, trong đó, một trong những trục quan trọng nhất là tuyến đường sắt cắt ngang Nam Mỹ, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương qua hành lang hậu cần Brazil-Peru với chiều dài khoảng 5.000km.

Sự tham dự của Brazil do vậy mang tính quyết định thành bại vì chừng nào dự án này được triển khai, sẽ có nhu cầu lớn về các tài nguyên chiến lược của khu vực, một trong những trọng tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung Quốc.

Con đường tơ lụa mới, như bộ khung về kinh tế và hạ tầng sẽ có tác động tới bộ khung về chính trị của BRICS và giúp các thành viên xích lại gần nhau trong việc tìm cách điều chỉnh trật tự thế giới theo hướng có lợi cho các nước mới nổi.

Trong cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã đề cập tới khả năng thảo luận một Hiệp định tự do thương mại (FTA).

Trên khía cạnh này, tới nay Trung Quốc mới có FTA với ASEAN, trong khi Brazil không thể ký kết FTA một cách riêng lẻ do bị ràng buộc bởi Hiệp ước Ouro Preto 1994 - một trong những nền tảng cơ bản của khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Khối BRICS có tiềm lực để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế và trên hết, các mối quan hệ thương mại qua các thể chế như WTO hay IMF. Một khi thay đổi được luật chơi theo hướng có lợi cho mình tại WTO, Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh đối đầu với Mỹ.

Nga cũng sẽ áp đặt được một số điều kiện riêng của mình khi có sự đồng thuận của Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, quan hệ đồng minh hiện tại của ông Bolsonaro với Tổng thống Trump có thể đẩy Brazil ra xa khối cường quốc đang lên này và kéo quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này về phía những lợi ích truyền thống của Mỹ tại Tây Ban Cầu, bào mòn dần tính tiên phong và vai trò dẫn dắt của BRICS trong các thể chế nơi họ có tiềm lực để cạnh tranh sự bá quyền của các nước phương Bắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục