Ngày 7/4, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza đề cao Cơ chế Montevideo như một phương thức khả thi để giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị của quốc gia Nam Mỹ này và tránh xung đột vũ trang.
Trên trang mạng Twitter, Ngoại trưởng Arreaza cho rằng Cơ chế Montevideo là "sáng kiến chân thật và chi tiết nhất" từng được đề xuất và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro một ngày trước đó đã kêu gọi kích hoạt cơ chế này.
Ông Arreaza khẳng định đối thoại và hoạt động chính trị luôn là cách thức hiệu quả và chiến tranh cùng bạo lực không có chỗ ở Venezuela.
[Chính phủ Venezuela khẳng định sẽ không để xảy ra nội chiến]
Trước đó một ngày, Tổng thống Maduro đã kêu gọi các nước Mexico, Uruguay và Bolivia và nhà lãnh đạo của 14 nước thuộc Cộng đồng Caribe (CARICOM) thực hiện Cơ chế Montevideo, được đưa ra hai tháng trước đó, nhằm tìm kiếm cuộc đối thoại chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Cơ chế Montevideo, do Mexico và Uruguay công bố, là một kế hoạch gồm bốn bước nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và các nhóm đối lập để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Đề xuất tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống mới ở Venezuela là một phần nội dung trong Cơ chế Montevideo. Tuy nhiên, phe đối lập tại Venezuela với thủ lĩnh là ông Juan Guaido đã nhiều lần bác bỏ cơ chế này, và khẳng định sẽ chỉ tiến hành đối thoại nếu như Tổng thống Maduro từ nhiệm.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Uruguay, Ariel Bergamino, Cơ chế Montevideo chỉ có thể thực hiện nếu được sự đồng ý của Chính phủ Venezuela và phe đối lập.
Hầu hết các thành viên trong Nhóm Tiếp xúc quốc tế về Venezuela gồm Liên minh châu Âu (EU) cùng 13 nước Mỹ Latinh và châu Âu, không bao gồm Mexico và Bolivia, đã ký thông qua cơ chế này trong phiên họp đầu tiên của nhóm ngày 7/2 tại Montevideo (Uruguay).
Tình hình chính trị-xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này hôm 23/1. Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính do Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài đứng đằng sau.
Ngay sau đó, Mỹ cùng với một loạt các nước Mỹ Latinh và châu Âu đã công nhận vai trò của ông Guaido, trong khi nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro.
Nhằm gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống Maduro, Washington đã áp dặt các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này cũng như Tập đoàn dầu khí quốc giá Venezuela./.