Ngày 15/6, Chính phủ Venezuela thông báo đã mời ba cựu tổng thống các nước Tây Ban Nha, Dominica và Panama, đang đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này, tham gia phiên họp bất thường của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) sẽ diễn ra vào ngày 21/6 tới tại Washington, Mỹ.
Trước đó, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez đã đề xuất tổ chức phiên họp bất thường của OAS để bàn về cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại nước Nam Mỹ này. Argentina hiện là chủ tịch luân phiên của Hội đồng thường trực OAS đã thông qua đề xuất trên.
Phiên họp bất thường nói trên diễn ra chỉ hai ngày trước một phiên họp khác của OAS theo đề xuất của Tổng Thư ký Luis Almagro để xem xét khả năng áp dụng Hiến chương Dân chủ nhằm mục đích đình chỉ tư cách thành viên tổ chức này của Venezuela.
Tuy nhiên, tuần trước, các quốc gia thành viên OAS đã ra tuyên bố kêu gọi các phe phái chính trị ở Venezuela đàm phán với vai trò trung gian của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và các cựu Tổng thống Tây Ban Nha, Dominica và Panama.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 15/6, Nicaragua đã chính thức yêu cầu Tổng Thư ký Luis Almagro từ chức vì hành động can thiệp công việc nội bộ của Venezuela.
Phát biểu tại phiên họp của Đại Hội đồng OAS đang diễn ra ở thủ đô Santo Domingo của CH Dominicana, Đại sứ Nicaragua Denis Moncada Colindres (Đê-nít Môn-ca-đa Cô-lin-đết) nhấn mạnh hành động của ông Luis Almagro là lạm dụng chức quyền và can thiệp gây bất ổn tại các quốc gia có chính phủ hợp hiến. Nicaragua đề nghị ông Luis Almagro từ chức ngay tại khóa họp lần này đồng thời bày tỏ sự ủng hộ trước sau như một đối với thể chế, dân chủ, đối thoại hòa bình của Caracas.
Trong phiên họp ngày 23/6 tới đây của OAS, nếu 2/3 trong số 34 nước bỏ phiếu thông qua việc áp dụng Hiến chương dân chủ với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này sẽ bị đình chỉ tư cách thành viên. Cho tới nay, OAS mới chỉ trục xuất một quốc gia thành viên là Cuba vào năm 1962 dưới sự vận động của Mỹ./.