Venezuela - Tiêu điểm của cuộc 'đọ sức' nước lớn

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đang ngày càng trở thành một vũ đài để các nước lớn "đọ sức". Cả 2 dự thảo nghị quyết liên quan Venezuela do Mỹ và Nga soạn thảo đều không được Hội đồng Bảo an thông qua.
Venezuela - Tiêu điểm của cuộc 'đọ sức' nước lớn ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại Caracas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Truyền thông Hong Kong mới đây đăng bài phân tích của giáo sư Vương Hiểu Vỹ về tình hình Venezuela và cuộc đọ sức nước lớn.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, ngày 28/2, đã lần lượt tiến hành bỏ phiếu về 2 dự thảo nghị quyết liên quan đến vấn đề Venezuela do Mỹ và Nga soạn thảo, cả hai dự thảo đều không được thông qua.

Trong hai lần biểu quyết, 3 nước BRICS là Nga, Trung Quốc và Nam Phi đều bày tỏ thái độ nhất trí phản đối dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo và ủng hộ dự thảo nghị quyết do Nga soạn thảo.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đang ngày càng trở thành một vũ đài để các nước lớn "đọ sức".

Trong dự thảo nghị quyết do Mỹ và Nga đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một bên nhấn mạnh sự giám sát quốc tế, một bên nhấn mạnh việc duy trì độc lập và chủ quyền của Venezuela.

Đây là 2 quan điểm đối lập nghiêm trọng. Venezuela rất gần với Mỹ, có thể nói là sân sau của Mỹ, nhưng chính phủ Venezuela từ lâu đã đứng về phía lập trường chống Mỹ và có mối quan hệ rất chặt chẽ với Nga.

Dự thảo có quan điểm mâu thuẫn gay gắt mà Mỹ và Nga đưa ra tại Liên hợp quốc trên thực tế đã cho thấy thái độ hoàn toàn trái ngược của 2 nước này đối với chính quyền Maduro ở Venezuela.

Mỹ ủng hộ phe đối lập do Guaido lãnh đạo, đồng thời có thái độ rất cấp tiến, mục đích là để thay thế Maduro.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, Vasily Nebenzya, cho biết Nga buộc phải sử dụng quyền phủ quyết vì mục tiêu dự thảo của Mỹ không phải là để giải quyết vấn đề Venezuela.

Nebenzya cho rằng Mỹ có ý đồ khác, mục đích thực sự là muốn thực hiện sự thay đổi chính quyền ở Venezuela, hỗ trợ người đại diện của mình nắm được chính quyền ở nước này.

Đồng thời, Nebenzya cũng phản đối Mỹ áp dụng biện pháp can thiệp vấn đề nội bộ các nước khác, mượn danh nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền để thực hiện lợi ích cho chính nước Mỹ.

Cách làm của Mỹ trên thực tế là trái với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của “Hiến chương Liên hợp quốc.”

Dự thảo nghị quyết của Nga đề xuất hòa giải tình hình hiện nay thông qua "Cơ chế Montevideo."

"Cơ chế Montevideo" đã được Mexico, Uruguay và Cộng đồng Caribean cùng đề xuất và chủ trương giải quyết vấn đề Venezuela thông qua 4 bước: đối thoại ngay lập tức, tham vấn chung, đạt được thỏa thuận và phương án thực thi. Cơ chế Montevideo này đã có được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc bỏ phiếu này, Nam Phi luôn đứng cùng phía với Nga và Trung Quốc. Trước cuộc khủng hoảng ở Venezuela, trong 5 nước BRICS chỉ có Brazil ủng hộ lập trường của Mỹ. Trung Quốc, Nga, Nam Phi về cơ bản đều có chung quan điểm. Thái độ của Ấn Độ tương đối trung lập và không ủng hộ cũng không phản đối.

[Nga chỉ trích âm mưu của Mỹ tạo cớ can thiệp quân sự ở Venezuela]

Sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc luật pháp quốc tế và hành vi can thiệp các vấn đề nội bộ của Mỹ đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của toàn cầu hóa và trật tự quốc tế.

Tuy Mỹ có nhiều đồng minh, nhưng trong trường hợp Mỹ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế, cách làm của họ cũng sẽ bị nhiều nước phản đối.

Trải qua cuộc đọ sức lần này, tình hình Venezuela sẽ diễn biến ra sao? Xét từ tình hình hiện nay cho thấy Mỹ đang ở “thế cưỡi trên lưng cọp.”

Trước sức ép to lớn của quốc tế và trong nước, Mỹ muốn sử dụng vũ lực cũng rất khó, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã công khai phản đối sử dụng vũ lực đối với Venezuela.

Trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc, Nga và thậm chí các nước châu Âu đều phản đối việc Mỹ tùy tiện sử dụng vũ lực.

Trong tình hình này, nếu Mỹ sử dụng vũ lực thì chắc chắn sẽ bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Nếu không sử dụng vũ lực thì đúng như mọi người thấy, sự kiểm soát của Maduro đối với tình hình trong nước vẫn tương đối ổn định. Mỹ không thể đạt được mục đích thay đổi chính quyền ở Venezuela, vì vậy có thể nói họ đã “đâm lao thì phải theo lao.”

Mỹ đã áp dụng phương thức đấu tranh quyết liệt, dứt khoát và nhanh gọn này để ủng hộ Guaido - nhà lãnh đạo phe đối lập mà họ ủng hộ, mục đích là để nhanh chóng thực hiện trong thời gian ngắn sự thay đổi chính quyền ở Venezuela, nhưng xem ra mục tiêu này đã không thể đạt được.

Do Mỹ và Nga đối đầu quyết liệt trong vấn đề Venezuela, chính phủ Mỹ đã chịu sức ép rất lớn cả trong lẫn ngoài nước, hơn nữa biểu hiện của Guaido trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela cũng khiến Mỹ không hài lòng, ông Guaido đã vi phạm lệnh cấm ra nước ngoài của Venezuela còn tuyên bố sẽ quay trở về nước để "tiếp tục cuộc cách mạng."

Mỹ cũng tuyên bố rằng họ không cho phép chính phủ Venezuela xử phạt Guaido. Liệu Guaido về nước có bị trừng phạt hay không sẽ là mối quan tâm quan trọng tiếp theo trong diễn biến tình hình ở Venezuela lần này.

Cuộc "đọ sức" nhiều bên ở Venezuela khó có thể kết thúc, dự kiến cuộc khủng hoảng ở nước này sẽ không thể giải quyết được trong ngắn hạn.

Việc khôi phục hòa bình và ổn định ở Venezuela đòi hỏi nỗ lực lâu dài của cộng đồng quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.