Tiếp quản đất nước sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, ông Nicolás Maduro đã phải đương đầu và vượt qua muôn vàn thử thách, tiếp tục đưa Venezuela tiến bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 mà vị lãnh tụ tiền nhiệm đã khai phá.
Có thể nói, với việc quốc gia Nam Mỹ này vượt qua những thách thức to lớn trong năm 2013, những người ủng hộ cuộc cách mạng Bolivar hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới dự lãnh đạo của vị tổng thống xuất thân từ tầng lớp công nhân này.
Khó khăn chồng khó khăn
Sau khi Tổng thống Chavez từ trần vì không thể phục hồi sau ca phẫu thuật ung thư tại Cuba, ông Maduro đã ra tranh cử trong cuộc bầu cử sớm để tìm người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 2013-2019 theo ý nguyện của vị lãnh tụ quá cố.
Trong cuộc bầu cử được đánh giá là phép thử đầu tiên và hết sức khó khăn đối với cuộc cách mạng Bolivar thời kỳ hậu Chavez, ông Maduro đã giành chiến thắng với khoảng cách sít sao 1,5 điểm trước ứng cử viên của Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập Henrique Capriles.
Với cáo buộc gian lận, chính trị gia theo đường lối cánh hữu này không công nhận kết quả bầu cử và tổ chức biểu tình phản đối, kích động nhằm gây ra tình trạng hỗn loạn với mục đích tạo cớ để Mỹ can thiệp.
Các cuộc biểu tình đầy bạo lực khiến 11 người ủng hộ chính phủ thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Thất bại với âm mưu trên, các lực lượng đối lập ráo riết phát động một cuộc chiến kinh tế thông qua các hoạt động như phá hoại các nhà máy và hệ thống phân phối điện; đầu cơ, tích trữ quy mô lớn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường; tăng mạnh giá bán; làm "chảy máu" ngoại tệ khiến đồng Bolivar mất giá và dự trữ ngoại hối giảm.
Cùng với chiến dịch tuyên truyền dựa trên những bịa đặt, xuyên tạc, các thế lực thù địch tiến hành cuộc chiến kinh tế nhằm gây ra tình trạng bất ổn, hạ uy tín của chính phủ nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra hôm 8/12 vừa qua, xa hơn là cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9/2015 và cuộc trưng cầu bất tín nhiệm mà họ rắp tâm tổ chức vào năm 2016 khi nhiệm kỳ của Tổng thống Maduro đã đi được nửa chặng đường.
Trong bối cảnh lãnh tụ tối cao của cách mạng Bolivar qua đời và môi trường kinh tế thế giới bất lợi, cuộc chiến kinh tế mà phe đối lập tiến hành đã gây thêm khó khăn cho chính phủ.
Lạm phát tại Venezuela tiếp tục tăng cao, lên tới 45,8% trong 10 tháng đầu năm nay. Một số nhu yếu phẩm như bột ngô - nguyên liệu chế biến món bánh arepa truyền thống được tiêu thụ rộng rãi hàng ngày, bơ, dầu ăn, đường, càphê, thuốc tân dược, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thậm chí cả giấy vệ sinh vẫn khan hiếm cho dù chính phủ đã bỏ ra một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu phục vụ nhu cầu của người dân.
Tổng thống Maduro đã nhiều lần tố cáo Mỹ và các thế lực cánh hữu tại Mỹ Latinh, được Washington giật dây và tài trợ, cổ vũ và trực tiếp giúp lực lượng đối lập Venezuela gây ra tình trạng bất ổn sau bầu cử và tiến hành cuộc chiến kinh tế hết sức nham hiểm, mà theo chính phủ là bước đi đầu tiên tiến tới đảo chính như đã từng diễn ra năm 2002.
Với cáo buộc tham gia các hoạt động phá hoại nền kinh tế và hệ thống điện lực của Venezuela, chính phủ Venezuela đã trục xuất ba nhà ngoại giao Mỹ trong đó có cả đại biện lâm thời.
Mặt khác, Caracas cũng bắt giữ một số phần tử bán quân sự người Colombia xâm nhập vào Venezuela để ám sát Tổng thống Maduro.
"Chính phủ đường phố"
Sau khi nhậm chức ngày 19/4, Tổng thống Maduro đã áp dụng mô hình quản lý mang tên "Chính phủ đường phố," theo đó nhà lãnh đạo xuất thân từ nghề tài xế này thậm chí có lúc tự lái xe buýt chở các thành viên nội các tới một số bang để xác định và giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội nổi cộm của từng địa phương.
Trong khoảng 8 tháng đầu điều hành đất nước, ông đã ký phê duyệt hơn 2.000 đề xuất đầu tư trị giá trên 22 tỷ USD trong các lĩnh vực giao thông, hạ tầng, đường sá, giáo dục, y tế, thể thao, lương thực...
Trước tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm giả tạo và giá cả bị đẩy cao do nạn đầu cơ và tích trữ hàng hóa do các thế lực thù địch trong và ngoài nước tiến hành, chính phủ Venezuela đã thanh tra các cơ sở kinh doanh, đầu tiên là các sản phẩm điện gia dụng và sau đó mở rộng ra các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, dệt may, giày dép, kim khí, đồ chơi trẻ em, ôtô...
Bên cạnh đó, chính phủ đã nhập khẩu khẩn cấp khoảng 760.000 tấn lương thực và thực phẩm, gồm dầu ăn, sữa bột, thịt bò, cá, đường, bột đậu tương..., một phần trong kế hoạch nâng dự trữ lương thực chiến lược lên 2,3 triệu tấn, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong ba tháng.
Để chính phủ có điều kiện ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với cuộc chiến kinh tế do phe đối lập phát động, Quốc hội Venezuela đã trao cho Tổng thống Maduro quyền hạn đặc biệt để điều hành đất nước trong vòng một năm thông qua sắc luật trong lĩnh vực kinh tế, cho phép ông tăng cường chống tham nhũng, đầu cơ giá cả và hàng hóa, phát triển kinh tế sản xuất đa dạng.
Căn cứ siêu quyền hạn được giao, ông Maduro đã ban hành hai sắc luật đầu tiên, theo đó khống chế trần lợi nhuận để tránh tình trạng doanh nghiệp tư nhân đưa ra giá cao bất hợp lý ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng và tổ chức lại các cơ quan quản lý ngoại tệ, nhập khẩu và xuất khẩu.
Những cố gắng của chính phủ trong phát triển kinh tế và thực hiện những chương trình xã hội nhằm củng cố những thành quả mà Venezuela đã giành được kể từ khi Tổng thống Chavez lên cầm quyền được đông đảo người dân ghi nhận.
Trong năm qua, chính phủ tiếp tục đẩy nhanh chương trình xây dựng nhà ở xã hội; phát triển giáo dục, y tế; cung cấp lương thực, thực phẩm với giá ưu đãi cho người nghèo; trợ cấp cho người có tuổi; đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm.
Trong tháng 11/2013, tỷ lệ người làm việc hợp pháp tại Venezuela đã tăng lên 59%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,6%, tỷ lệ tội phạm giảm 56% so với năm ngoái, trong đó các vụ bắt cóc giảm 51,7%, giết người giảm 17,3%.
Bất chấp bối cảnh kinh tế quốc tế bất lợi và cuộc chiến kinh tế do phe đối lập phát động, kinh tế Venezuela trong năm 2013 vẫn tăng trưởng tuy còn khiêm tốn (ước tính 1,2%), cho phép Caracas đạt 43 quý tăng trưởng liên tiếp.
Hiệu quả của mô hình "Chính phủ đường phố" là một trong những yếu tố cho phép sự ủng hộ của dân chúng đối với Tổng thống Maduro đạt 61% sau bảy tháng đầu tiên cầm quyền.
Đây cũng là lý do khiến lực lượng chính phủ giành được chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử cấp quận/huyện ngày 8/12 vừa qua.
Lòng dân theo cách mạng
Sau khi thất cử tổng thống với tỷ lệ phiếu rất sít sao và tiến hành cuộc chiến kinh tế nhằm hạ thấp uy tín điều hành của chính phủ, phe đối lập đánh cược vào cuộc bầu cử địa phương lần này, coi đó là cuộc trưng cầu bất tín nhiệm đối với Tổng thống Maduro.
Thế nhưng, trong cuộc bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng với sự tham gia kỷ lục của cử tri cả nước, Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất cầm quyền (PSUV) và các lực lượng ủng hộ “chủ nghĩa Chavez” đã giành chiến thắng vang dội, ngoài sự mong đợi của bạn bè quốc tế, đó là kiểm soát gần 76% quận/huyện, 15/24 thủ phủ quận/huyện và 50/70 thành phố lớn nhất Venezuela; giành được nhiều ghế quận/huyện trưởng hơn so với lực lượng đối lập tại 23/24 bang; thu được nhiều phiếu cử tri hơn tại 21/24 bang, trong đó có bang Miranda do thủ lĩnh đối lập Capriles nắm quyền.
Đây là thắng lợi thứ 2 tại hòm phiếu của PSUV sau khi Tổng thống Chavez từ trần.
Việc lực lượng chính phủ chiếm được đa số vị trí lãnh đạo tại các quận, huyện trên cả nước sẽ cho phép ông Maduro có điều kiện khẩn trương triển khai "Kế hoạch Tổ quốc," chương trình hành động của chính phủ giai đoạn 2013-2019 mà cố Tổng thống Chavez để lại.
Thực tế cho thấy bất chấp những âm mưu phá hoại gây bất ổn mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước không ngừng kích động, với sự ủng hộ của đông đảo dân chúng thể hiện qua chiến thắng liên tiếp của PSUV tại các cuộc bầu cử, Tổng thống Maduro có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa Venezuela - quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ nhất thế giới - tiếp tục tiến bước trên con đường cách mạng mà cố Tổng thống Chavez đã khởi xướng./.