An toàn vệ sinh thực phẩm hiện không chỉ là việc gióng lên hồi chuông cảnh báo mà đây là mối quan tâm của toàn xã hội.
Đây là chia sẽ của đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tại Hội thảo "Chính sách pháp luật mới về An toàn thực phẩm và hành động của doanh nghiệp vì sức khỏe cộng đồng" do Báo Công Thương phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 15/5, tại Hà Nội.
[Nỗi lo thực phẩm bẩn hoành hành trong dịp Tết Nguyên đán]
Mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS), mặc dù các văn bản pháp luật về An toàn thực phẩm khá đầy đủ nhưng vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.
Chỉ đơn cử trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Hùng cho biết, ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra khá nhức nhối.
Năm 2011, Hội đã khảo sát, phát hiện chất Beta-agonist tồn dư trong thịt lợn siêu nạc. Năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện 18 Công ty vi phạm, xử phạt trên 2,6 tỷ đồng và dù liên tục bị kiểm tra, xử lý nhưng đến năm 2017 lại xảy ra vụ hơn 4.600 con lợn bị tiêm thuốc an thần, trong đó trên 3.700 con bị yêu cầu tiêu hủy...
Qua những vụ việc điển hình gần đây, đại diện VINASTAS đã bày tỏ nhiều lo ngại đến việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt khi những quy định mới của Nghị định 15/CP đã thay đổi cách tiếp cận từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhưng mặt khác có thể làm giảm hiệu quả ngăn ngừa thực phẩm bẩn khi việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ.
Do vậy, ông Hùng đề nghị khi phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm, thậm chí là công bố danh tính các doanh nghiệp để người tiêu dùng biết và thực hiện quyền được lựa chọn của mình.
Mặc dù cho đến nay đã có nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nhiều chế tài xử phạt và giám sát trong lĩnh vực này nhưng các bệnh về vệ sinh thực phẩm và thức ăn ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Hồng Hảo (Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia) cho biết, thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự tồn tại phát triển, cải thiện giống nòi nhưng đây cũng là mối lo ngại không chỉ với cơ quan chức năng mà còn đối với mọi người dân.
Trong khi đó, thực hiện Nghị định 15/CP sẽ có khoảng 90% sản phẩm được tự công bố, 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu không phải kiểm tra nhà nước về An toàn thực phẩm.
Do vậy, theo chuyên gia này, tất cả các nguồn lực sẽ được tập trung cho công tác hậu kiểm và các cơ quan quản lý thường xuyên tổ chức lấy mẫu để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng, nếu phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ có biện pháp xử lý.
Mạnh tay để lành mạnh thị trường
Nghị định 15/CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm đã có sự thay đổi căn bản về quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng như tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp.
Mới đây, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã bãi bỏ nhiều quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm...
Tuy vậy, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cũng nhấn mạnh, với vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và ban hành các chế tài đủ mạnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nước giải khát, nhằm lành mạnh hóa hoạt động nhạy cảm này.
Một giải pháp hữu hiệu là trong năm 2018, Bộ Công Thương có kế hoạch tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn thuộc nhiệm vụ kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương năm 2018.
Cho biết thêm về những công việc đang triển khai, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đã nhấn mạnh đến dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an thực phẩm tại 24 địa phương và 5 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương (cửa hàng tổng hợp các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý từ 2 bộ trở lên, cửa hàng nước khoáng, bánh các loại).
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, đồng thời thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, Marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định sự uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững, chinh phục người tiêu dùng.
"Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGap, HACCP, ISO…nhằm tạo nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ," bà Lê Việt Nga lưu ý thêm./.