Vì sao 70% các gia đình giàu có bị nghèo đi ở thế hệ thứ hai?

Theo công ty tư vấn Williams Group, trên thực tế, có tới 70% số gia đình giàu có bị nghèo đi ở thế hệ thứ hai, và con số này là 90% ở thế hệ thứ ba.
Vì sao 70% các gia đình giàu có bị nghèo đi ở thế hệ thứ hai? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bing.com)

Khi cậu bé Stephen Lovell tới thăm ông bà, chuyến đi đó giống như đi vào thế giới của Cole Porter trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Đại gia Gatsby." Tất cả những người ở đó đều mặc vest và uống cocktail. Họ sở hữu du thuyền, máy bay riêng và trang trại, cũng như khu biệt thự tráng lệ ở Ontario, Canada và nhà nghỉ mát ở Southampton, New York.

Theo Time.com, Lovell ước tính rằng ông mình, người sáng lập công ty may mặc John Forsyth Shirt, từng sở hữu khối tài sản ít nhất 70 triệu USD tính theo tỷ giá hiện tại. Nhưng sau những quyết định sai lầm và vận xui, thế hệ sau của gia đình đã tiêu hết số tiền đó.

‘Tôi lúc nào cũng nghĩ về chuyện đó,” Lovell, một nhà kế hoạch tài chính ở Walnut Creek, California chia sẻ.

Theo công ty tư vấn Williams Group, trên thực tế, có tới 70% số gia đình giàu có bị nghèo đi ở thế hệ thứ hai, và con số này là 90% ở thế hệ thứ ba.

Quỹ U.S. Trust gần đây cũng có một cuộc khảo sát với các cá nhân có thu nhập cao và sở hữu tài sản có thể đầu tư từ 3 triệu USD trở lên để xem cách họ chuẩn bị cho thế hệ sau tiếp quản khối tài sản khổng lồ của mình.

"78% những người được hỏi cảm thấy thế hệ sau không đủ trách nhiệm về mặt tài chính để gánh vác tài sản thừa kế," Chris Heilmann, giám đốc phụ trách ủy thác của quỹ U.S. Trust cho biết. 64% thừa nhận rằng họ để lại rất ít, thậm chí không để lại tài sản thừa kế cho con cái. Bản khảo sát đã liệt ra một số lý do cho lựa chọn này: họ được dạy là không nên nói chuyện về tiền bạc với con cái, họ lo rằng con cái họ sẽ trở nên lười biếng và phụ thuộc, cũng như sợ thông tin thừa kế bị rò rỉ dẫn đến những rắc rối về sau.

Khi được hỏi lý do vì sao người giàu lại rất kém thông minh trong việc để lại tiền thừa kế, và vì sao những người thừa kế thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba lại tiêu xài hoang phí như vậy, các nhà kế hoạch tài chính đưa ra lời giải thích rất thẳng thắn: hầu hết họ không biết số tiền đó giá trị thế nào, hay phải xử lý chúng ra sao. Một người nhận thừa kế trung bình chỉ mất khoảng 19 ngày trước khi mua một chiếc ôtô mới.

Vậy những người giàu có thể làm gì để tránh tài sản của mình bốc hơi chỉ sau vài thế hệ? Dưới đây là một số chiến lược:

Trao đổi từ sớm và thường xuyên

Bạn có thể nghĩ rằng mình đang khuyến khích làm việc chăm chỉ bằng cách không để lộ trị giá tài sản cho con cái, nhưng sự thực đó là một hành động không khôn ngoan. Nếu bạn chưa bao giờ nói về chuyện tiền bạc với con cái, hãy gạt hết những chuyện khác sang một bên và “xóa mù” kiến thức tài chính cho con cái bạn. Điều này cũng cần được áp dụng với cả các cháu bạn. Hãy dạy chúng những bài học tiêu tiền thông minh, và bạn có thể gia tăng tài sản cho gia đình mình trong ít nhất 30-40 năm nữa.

Thảo luận về di chúc

Nếu bạn sẵn sàng minh bạch mọi thứ, hãy đưa ra vấn đề quan trọng nhất: di chúc.

“Các bậc cha mẹ và ông bà nên giải thích về những gì họ ghi trong di chúc của mình trước sự có mặt của tất cả con cháu trước khi bản di chúc được đọc. Hãy tin tôi, nếu không công khai từ trước, anh chị em trong gia đình sẽ tìm mọi cách để biết ai được hưởng bao nhiêu tiền,” David Mullins, một chuyên gia tài chính ở Richlands, Virginia khuyên.

Bằng cách này, bạn có thể giảm thiểu mọi vấn đề tranh chấp trong gia đình ngay từ đầu, và như vậy tốt hơn là để con cháu đưa nhau ra tòa tranh giành tài sản chỉ vì bạn - người chủ gia đình không thể đưa ra lời giải thích hay sửa đổi di chúc vào lúc đó nữa.

Lập lộ trình

Khoảng một phần tư người thuộc thế hệ “baby-boomer” (sinh ra từ năm 1946 đến năm 1964) cho rằng con cái họ không thể quản lý tài sản tốt trước khi bước sang tuổi 40, và một nửa người giàu trên 70 tuổi cũng có suy nghĩ này. Vì thế, bạn cần cho người thừa kế của mình một lộ trình tài chính dưới dạng tuyên bố nhiệm vụ. Bạn có thể đặt ra những kỳ vọng của mình về việc tiêu pha, tiết kiệm và giúp đỡ xã hội, cũng như những chiến lược làm giàu cho con cháu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục