Sau vụ cháy "chung cư mini" đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào đêm 12/9 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh cùng với việc rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến phòng cháy chữa cháy, các quy định liên quan đến xây dựng, các địa phương cần phải tổng rà soát lại tất cả các công trình nhà ở riêng lẻ, nhất là chung cư mini, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề trên, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) - ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nhà ở, xây dựng và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cho loại hình nhà ở, chung cư đã đầy đủ.
Đặc biệt, các tiêu chuẩn, quy chuẩn ở các văn bản quy pháp pháp luật cũng được phân cấp xuống tới các địa phương (từ cấp tỉnh, thành phố tới quận, huyện). Theo đó, từ việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra đều do địa phương thực hiện, quản lý.
[Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?]
Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số địa phương tại các khu vực đô thị cũng chưa làm tốt công tác cấp phép, quản lý. Lợi dụng sự buông lỏng của các cơ quan chức năng, nên các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Một trong những vi phạm điển hình là xây dựng xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng để bán, chuyển nhượng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, tăng cao nguy cơ cháy nổ trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng...
Vì thế, từ năm 2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị việc tăng cường thực hiện quy định pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, trong đó có chung cư mini.
“Nội dung công văn đề nghị đã rõ ràng, việc cần làm hiện nay là chính quyền các cấp địa phương cần phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm nhất để triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các quy định mà Bộ Xây dựng đã đề nghị,” ông Ngọc Anh nói.
Đề cập cụ thể về 4 nhiệm vụ trọng tâm các địa phương cần làm ngay, ông Ngọc Anh cho rằng đầu tiên là tuyên truyền, phổ biến các nội dung, quy định đã được đề cập trong Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở 2014 và các nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến loại hình, đối tượng công trình nhà ở riêng lẻ.
Thứ hai, trên cơ sở phân cấp, chính quyền địa phương cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các quy định của luật, nghị đinh, thông tư liên quan đến nhà ở riêng lẻ; cũng như cụ thể hóa, đưa quy định “đi vào cuộc sống” để người dân, doanh nghiệp khi xây dựng công trình làm đúng theo quy định của pháp luật.
“Đây cũng là giải pháp để người dân khi tìm kiếm, mua nhà hiểu được trường hợp nào là đúng, trường hợp nào sai, để tránh việc bị lừa, nhất là trong bối cảnh thông tin quảng cáo về việc bán căn hộ chung cư mini rất phổ biến,” ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Cùng với đó, sau sự cố đáng tiếc vừa xảy ra, các cơ quan Trung ương cũng cần rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu thấy hay phát hiện ra các “khe hở,” tồn tại thì cần phải hoàn thiện để sớm ban hành, để quy định đảm bảo thống nhất.
Thứ ba, các địa phương cần phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý ngay. “Cái này phải xử lý nghiêm, bởi người ta vẫn hay nói dân chở một bao ximăng vào ngõ, ai cũng biết, huống gì xây một tòa nhà to như chung cư mini vừa xảy ra cháy ở ngách 29/70, phố Khương Hạ,” ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Cuối cùng, với người tiêu dùng, người dân cũng cần phải chủ động hơn trong việc tìm hiểu về các quy định của pháp luật liên quan đến việc xây dựng nhà ở riêng lẻ, xây dựng chung cư mini để không vi phạm pháp luật cũng như không để xảy ra những rủi ro, hệ lụy như vụ việc đau lòng - cháy chung cư mini vừa xảy ra./.