Trong bối cảnh dư luận thế giới đang "nóng" lên từng ngày với vụ Hồ sơ Panama, có một điểm khác lạ là trong hồ sơ bị rò rỉ này lại "thiếu" một tác nhân tài chính quan trọng của thế giới là Mỹ.
Trong danh sách được tiết lộ, các phóng viên điều tra chỉ phát hiện có một nhóm người Mỹ, những công dân bình thường, đã chuyển một phần tài sản về các "thiên đường thuế" và các công ty bình phong với sự trợ giúp của văn phòng luật Mossack Fonseca.
Ngoài cái tên David Geffen, trùm hãng đĩa nhạc và đồng sáng lập hãng phim DreamWorks cùng với đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, không có lấy tên một nhân vật có tầm cỡ nào.
Sự "vắng bóng" trong vụ tai tiếng không phải là một bằng chứng “đẹp” đối với Mỹ vì một lẽ đơn giản là chính bản thân Mỹ cũng là một “thiên đường thuế.”
Trước tiên, người Mỹ có thể do dự khi phải chuyển tài sản đến những nước xa xôi và các nước ở vùng Nam Mỹ. Trong khi đó, người giàu Mỹ lại có nhiều chọn lựa ngay trong tầm tay như đảo Cayman hay đảo Virgin của Vương quốc Anh.
Mặt khác, người giàu Mỹ cũng muốn giữ bí mật về các hoạt động của mình mà không cần rời lãnh thổ. "Nguyện vọng" này có thể được nhiều bang tại Mỹ đáp ứng như Delaware hay Wyoming. Chỉ với vài trăm USD, các bang này đã có thể cho phép thành lập một công ty bình phong mà không cần xác định ai là người thụ hưởng thật sự.
Và điều đáng lo ngại là các hoạt động đó được thực hiện với sự tiếp tay của nhiều ngân hàng Mỹ.
Theo bảng xếp hạng do Tax Justice Network thiết lập hàng năm, Mỹ dẫn trước cả Panama, xếp vị trí thứ ba trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ có các giao dịch tài chính “mập mờ” nhất thế giới.
Tuy nhiên, còn có một lý do khác giải thích cho việc có rất ít công dân Mỹ dính líu đến vụ Hồ sơ Panama là Mỹ có “công cụ pháp lý” rất hữu hiệu để ngăn chặn.
Sau các vụ tai tiếng liên quan đến các ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ đã gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt nặng trong những năm gần đây chống lại nạn gian lận và trốn thuế.
Kết quả là nhiều "thiên đường thuế" đã “hoảng sợ” khi nhận khách hàng Mỹ vì họ biết rằng nước này không ngần ngại trừng phạt thẳng tay.
Điển hình là trong vụ tai tiếng giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế, hai ngân hàng UBS và Credit Suisse mỗi bên lần lượt bị phạt 780 triệu và 2,6 tỷ USD./.