Vì sao các nước vùng Vịnh trung lập trước cuộc chiến ở Ukraine?

Do lo ngại không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Nga, cả Saudi Arabia và UAE, mặc dù thân thiết với Mỹ, nhưng cũng không đứng về bên nào trong cuộc chiến ở Ukraine.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bình luận về thái độ trung lập của các cường quốc vùng Vịnh, nhật báo Le Monde (Pháp) số ra ngày 6/3 cho rằng do lo ngại không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Nga, cả Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mặc dù thân thiết với Mỹ nhưng cũng từ chối, không đứng về bên nào trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo báo này, khi các nước phương Tây cố gắng cô lập Nga về mặt ngoại giao, bằng chứng là việc Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3 đã thông qua với đa số áp đảo một nghị quyết yêu cầu Nga ngừng can thiệp vào Ukraine, hai cường quốc lớn nhất vùng Vịnh đã giữ thái độ trung lập, thậm chí không rõ ràng đối với Moskva.

Mặc dù UAE và Saudi Arabia ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc được thông qua hôm 2/3, nhưng trước đó hôm 25/2, Abu Dhabi đã quyết định bỏ phiếu trắng đối với một văn bản tương tự được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Là thành viên không thường trực của hội đồng này, UAE đã nhậm chức chủ tịch luân phiên vào ngày 1/3 và đảm nhiệm vai trò này trong một tháng.

Không giống như các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, vốn không có tính ràng buộc, những nghị quyết được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết, mang nhiều trọng lượng và hậu quả hơn.

Theo một nhà ngoại giao Bắc Phi, việc lựa chọn bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc vài ngày sau khi bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đáp ứng mong muốn "không làm Nga khó chịu và cũng không làm mếch lòng Mỹ."

Có thể coi đây như là một hành động trung lập, trái ngược với lập trường của các đồng minh truyền thống của Mỹ hoặc các nước châu Âu.

"Đứng về phía nào cũng sẽ khiến bạo lực gia tăng. Do đó (ưu tiên của UAE) nên là khuyến khích tất cả các bên sử dụng các nỗ lực ngoại giao để đàm phán," lập luận này đã được Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của Thái tử Mohammed Ben Zayed - lãnh đạo trên thực tế của UAE - đưa ra để biện minh cho việc chế độ quân chủ bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an.

Sự cân bằng mong manh

Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi điện cho người đồng cấp của UAE Abdallah Bin Zayed để tái khẳng định "tầm quan trọng của việc xây dựng phản ứng quốc tế mạnh mẽ để ủng hộ chủ quyền" của Ukraine. Nhưng nỗ lực này đã không đạt kết quả.

[Ukraine thúc đẩy xúc tiến hội đàm trực tiếp với lãnh đạo Nga]

Sự trung lập trong tình huống này cũng thể hiện thái độ ngày càng thất vọng của UAE với cách mà chính quyền Biden xử lý với các vấn đề an ninh ở vùng Vịnh.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã loại phiến quân Houthi ở Yemen khỏi danh sách các tổ chức khủng bố do Mỹ đưa ra.

Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan. (Nguồn: AFP)

Đây là một quyết định tồi tệ đối với Abu Dhabi. Các nhà phân tích thân cận với chế độ quân chủ đã cho rằng động thái này chứng tỏ người Mỹ đã không coi trọng việc Houthi phóng tên lửa đạn đạo từ Yemen nhằm vào các lãnh thổ của Saudi Arabia và UAE những tháng trước.

Trong khi đó, hôm 28/2 vừa qua, Nga đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết do UAE đề xuất nhằm tăng cường một lệnh cấm vận vũ khí do Liên hợp quốc áp đặt đối với một số nhà lãnh đạo của phong trào Houthi.

Về phía Saudi Arabia, nước này đã rất kín tiếng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine do có lợi ích chung về năng lượng với Moskva.

Trên thực tế, nước này đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển quan hệ với Nga. Do đó, Riyadh đã chống lại sức ép của Mỹ thúc giục nước này tăng sản lượng dầu để giúp giảm giá dầu vốn đang leo thang do liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Saudi Arabia đã khẳng định gắn bó với sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ, tôn trọng cam kết của vương quốc này trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC+, nhóm 23 nước sản xuất dầu mỏ đứng đầu là Saudi Arabia và bao gồm cả Nga.

Hasan Alhasan, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, cho biết: “Nếu Mỹ gây áp lực đáng kể lên các quốc gia vùng Vịnh để chống lại Nga, họ có thể nhượng bộ. Nhưng về lâu dài, các nước này sẽ tìm cách thoái thác để giành quyền tự chủ chiến lược lớn hơn ở vùng Vịnh, ít phụ thuộc hơn vào các đối tác phương Tây và cũng để đảm bảo mối quan hệ với đối tác Nga. Tuy nhiên, để giữ được sự cân bằng giữa các mối quan hệ này không phải là chuyện dễ đối với các nước vùng Vịnh"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục