Vì sao cổ phiếu ngành đường được định giá mức cao trong lịch sử?

Giá đường nội địa vẫn còn dư địa để tăng trưởng từ mức giá hiện tại do giá đường sản xuất trong nước đang thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 30-40%.
Vì sao cổ phiếu ngành đường được định giá mức cao trong lịch sử? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Chu Hiệu/TTXVN)

“Hiện tại, các mã cổ phiếu ngành đường đã được định giá vượt mức thời kỳ dịch COVID-19 xuất hiện và đang được giao dịch ở mức cao hơn so với P/E [hệ số giá/ lợi nhuận một cổ phiếu] trung bình trong quá khứ, trừ SBT đang giao dịch ở mức thấp hơn trung bình. Mức định giá cổ phiếu cao hơn trong lịch sử đang phản ánh kỳ vọng của thị trường về chu kỳ hồi phục của ngành mía đường và khả năng áp thuế tự vệ đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan,” theo báo cáo từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán SSI.

Kỳ vọng gia tăng biên lợi nhuận gộp

Bộ Công Thương đã đưa ra quyết định áp dụng tạm thời mức thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá ở mức 48,88% với đường tinh luyện và 33,88% với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan, có hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày 17/2/2021.

Theo nhóm nghiên cứu của SSI, các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc đường nhập lậu được kiểm soát khiến nguồn cung đường trong nước thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá đường nội địa tiếp tục tăng mạnh, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất đường gia tăng biên lợi nhuận gộp.

Báo cáo nêu ra một số điểm lưu ý khi mức thuế tự vệ tạm thời có hiệu lực. Cụ thể, lượng đường tồn kho giá thấp nhập khẩu từ Thái Lan vào cuối năm 2020 sẽ được bán mạnh ra thị trường trong quý 1 tạo sức cạnh tranh về giá bán với đường nội địa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá đường nội địa vẫn còn dư địa để tăng trưởng từ mức giá hiện tại do giá đường sản xuất trong nước đang thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 30-40%.

Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu chính ngạch sẽ khiến giá đường tăng khoảng 4.000-4.500 đồng/kg khi mức thuế 48,88% được áp dụng.

“Chúng tôi cho rằng giá đường có thể lên 17.000 đồng/kg tiệm cận với mức giá đường của các quốc gia trong khu vực trong thời gian tới. Đặc biệt là thời điểm giữa năm khi các nhà máy kết thúc vụ ép mía. Hiện, giá mua mía tại ruộng của các nhà máy cũng đã tăng khoảng 15-20% so với giá mua mía niên vụ trước,” bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư chỉ ra.

Tăng trưởng vượt qua VN-INDEX

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành đường đã tăng 33% trong năm 2020 và tăng 81% từ mức đáy tháng 3/2020, mức tăng này tích cực hơn so với các mức tăng tương ứng của VN-Index là 15% và 67%.

Cụ thể, cả 5 mã cổ phiếu ngành đường đều có mức tăng tốt trong năm qua, bao gồm SBT (+17%), QNS (+63%), LSS (+68%), SLS (+69%) and KTS (+57%). Tuy nhiên theo báo cáo tài chính, tăng trưởng lợi nhuận năm của các công ty này lại có sự phân hoá, như các mã có mức tăng tốt là SLS (+101%) và SBT (+80% YoY), trong khi ba mã còn lại KTS có kết quả kinh doanh kém khả quan. (-11%), QNS (-19%) và LSS (-32%).

Vì sao cổ phiếu ngành đường được định giá mức cao trong lịch sử? ảnh 2Nguồn: SSI

Nhóm chuyên gia của SSI cho hay dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn chu kỳ hồi phục của ngành đường, vốn bắt đầu từ cuối năm 2019 và đẩy giá đường quay trở lại mức thấp nhất 10 năm. Nhưng, giá đường đã hồi phục rất nhanh sau đó và giá đường trung bình trong năm 2020 vẫn cao hơn 9,6% so với năm 2019.

Về triển vọng thị trường, theo bà Phương mã QNS sẽ phục hồi và dẫn dắt về mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021.

“Ước tính QNS sẽ đạt 9.170 tỷ đồng doanh thu (+41,3%/năm) và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+24%/năm) trong năm nay. Cụ thể với nhu cầu nội địa ở mức 2,2 triệu tấn mỗi năm, QNS có vị thế là công ty đường lớn thứ 2 cả nước và khi thuế tự vệ được áp dụng, sẽ không khó để chiếm lĩnh ít nhất 10% thị phần. Chúng tôi kỳ vọng giá mục tiêu cho QNS đạt 50.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% so với mức giá hiện tại,” bà Phương cho biết.

Bên cạnh đó, mã cổ phiếu SBT cũng được nhóm phân tích của SSI đặt kỳ vọng khả quan trong năm 2021, khi SBT đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 14.358 tỷ đồng (+12%/năm) và 662 tỷ đồng (+31%/năm). Theo nhóm phân tích, kế hoạch trên là hoàn toàn khả thi với SBT và thậm chí là có thể vượt kế hoạch do giá đường trong nước vẫn đang tiếp tục tăng cộng thêm giả định thuế tự vệ sẽ được áp dụng trong quý 1.

Hiện nay, SBT là doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam, đứng đầu về cả diện tích vùng nguyên liệu (28% tổng diện tích trồng mía cả nước) và công suất luyện đường (40% công suất luyện đường trong vụ) cũng như mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh bán buôn, bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại và kênh thương mại (40% thị phần).

“SBT sẽ được hưởng lợi nhanh hơn các doanh nghiệp trong ngành khi có thuế tự vệ đối với đường Thái Lan, do khả năng tăng công suất luyện đường lên tới 300 ngày/năm sử dụng nguồn nhiên liệu sinh khối từ dăm gỗ sẽ hỗ trợ SBT gia tăng sản lượng đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung đường trong nước và có sẵn mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh và hệ thống kho chứa lớn nhất cả nước (43 kho và tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ),” nhóm phân tích của SSI nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục