Dựng lại 'vành đai xanh' ở khu vực Nam Trung Bộ (Bài 1)

Vì sao hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ suy giảm nhanh?

Trước sức ép về kinh tế, nhất là “làn sóng” mở rộng hồ nuôi tôm, phát triển các dự án hạ tầng, phần lớn rừng ngập mặn nguyên sinh ở Nam Trung Bộ bị hủy hoại, hệ sinh thái rừng suy giảm nhanh.
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn, Quảng Ngãi) được phục hồi từ năm 2015. (Ảnh: TTXVN phát)

Rừng ngập mặn là hệ sinh thái đặc biệt và hiếm có hình thành ở vùng ven biển và cửa sông những nơi bị tác động của thủy triều. Tuy chỉ chiếm hơn 1% tổng diện tích rừng của Việt Nam (14,4 triệu ha) nhưng rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng ngập mặn thông qua các chính sách như: Nghị định 119/2016/NĐ-CP, với cam kết bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn theo hướng bền vững, đặc biệt tại các vùng ven biển; Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Miền Trung Việt Nam nói chung, Nam Trung Bộ nói riêng đang là khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và rủi ro do thiên tai. Bắt nhịp định hướng của Chính phủ, các tỉnh Nam Trung Bộ đã và đang nỗ lực phục hồi vành đai rừng ngập mặn, bước đầu mang lại hiệu quả.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề: "Dựng lại 'vành đai xanh' ở khu vực Nam Trung Bộ,' phản ánh hiện trạng rừng ngập mặn ở Nam Trung Bộ, nỗ lực của các địa phương trong việc khôi phục rừng, phục hồi hệ sinh thái bờ biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân, hướng khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái từ rừng.

Các tỉnh Nam Trung Bộ, gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có hơn 800km đường bờ biển. Với kiểu địa hình ngắn, dốc, sông ngòi nhỏ, đồng bằng hẹp, khí hậu khá khắc nghiệt, rừng ngập mặn ở khu vực này tương đối nghèo, thường phân bố trong các đầm ven biển với diện tích nhỏ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, rừng ngập mặn Nam Trung Bộ hiện chỉ có 20 loài thực vật, trong đó chủ yếu là: đước đôi, đước bộp, vẹt dù, dà quánh, dà vôi, mắm quăn, mắm lưỡi, bần chua…

Những năm qua, trước sức ép về kinh tế, nhất là “làn sóng” mở rộng hồ nuôi tôm, phát triển các dự án hạ tầng, tác động của thiên tai khiến phần lớn rừng ngập mặn nguyên sinh ở Nam Trung Bộ đã bị hủy hoại, hệ sinh thái rừng suy giảm nhanh.

Tốc độ mất rừng nhanh

Trở lại vùng nuôi tôm tự phát các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê thành phố Quảng Ngãi, hàng loạt ao, đìa nuôi tôm của người dân được “đánh đổi” từ việc phá rừng ngập mặn nay đã bị bỏ hoang. Người dân “quay lưng” với con tôm đa phần vì nguồn nước bị ô nhiễm, thiên tai và việc nuôi tôm thua lỗ.

Ông Võ Mẫn, xóm Khê Xuân, thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê cho biết ông sinh ra, lớn lên và là nhân chứng thời kỳ rừng ngập mặn bị xóa sổ.

Từ năm 1990, khi con tôm có giá, bà con đã đổ xô chặt phá khu rừng dừa ở Cổ Lũy, Trường Định, hủy hoại những cánh rừng bạt ngàn cây mắm, đước, sú, vẹt ở Mỹ Lại để đào hồ nuôi tôm.

Những cánh rừng ngập mặn là "bức tường xanh" che chắn cho quân và dân vùng biển trước quân thù, bảo vệ dân làng trước bão gió, chống xói lở, là nơi ngụ cư của nhiều loại chim, cò, cá tôm, tạo nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ dân đã dần biến mất, thay vào đó là những ao, đìa nước bạc của con tôm.

"Thời điểm đó vì kinh tế, bà con đã đánh đổi cả hệ sinh thái rừng để lấy con tôm, bây giờ hàng trăm ao, đìa tôm bị bỏ hoang, đất đai, môi trường bị suy thoái, không thể khôi phục lại rừng, xót xa lắm!," ông Võ Mẫn chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi), diện tích rừng trồng ngập mặn là rừng tự nhiên năm 2010 là 53,11ha đến nay chỉ còn 17,66ha. Nguyên nhân chính khiến hàng chục ha rừng ngập mặn ở Quảng Ngãi biến mất là do nạn phá rừng làm đầm nuôi tôm tự phát, một số cánh rừng bị gió bão tàn phá, ảnh hưởng của xói lở, nước biển dâng.

Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi được phục hồi với nhiều loài thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng. (Ảnh: TTXVN phát)

Không riêng Quảng Ngãi, phong trào nuôi tôm cũng khiến rừng ngập mặn ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên suy giảm nhanh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định trước năm 1975, tại khu vực đầm Thị Nại và Đề Gi có 1.000ha rừng ngập mặn nhưng hiện chỉ còn 98ha.

Còn tại tỉnh Phú Yên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường-Đại học Huế, trước đây rừng ngập mặn của tỉnh có 13 loài chính thức và 22 loài đi kèm. Tuy nhiên, hiện nay, số loài còn lại là rất ít, chỉ ghi nhận 2 loại cây chủ yếu là giá (Excoecaria agallocha) và đước vòi (Rhizophora stylosa) còn ở đầm Ô Loan.

Trong số đó, cây giá mọc tự nhiên, chủ yếu ở phía Nam của đầm thuộc khu vực tại các thôn Diêm Hội, Tân An, Tân Lập và Tân Hòa của xã An Hòa Hải. Còn với cây đước, một số người dân địa phương trồng rải rác dọc theo các hồ nuôi thủy sản ở phía Bắc của đầm tại thôn Tân Long của xã An Cư, thôn Phú Sơn của xã An Ninh Đông.

Là người dân gắn bó nhiều năm với đầm Ô Loan, ông Nguyễn Đình Quốc cho biết trước đây, khu vực này rừng ngập mặn xanh tốt nhưng nhiều hộ phát dọn đào hồ nuôi tôm nên rừng dân suy kiệt. Bây giờ chỉ còn lác đác một vài vạt cây gần bờ. Từ khi không còn rừng, tôm cá không còn bãi đẻ và mức độ khai thác của người dân địa phương ngày càng tăng khiến cho nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, một số loài trứ danh của đầm như sò huyết, tôm đất nay cũng ít dần...

Khó tự phục hồi

Khánh Hòa vốn là một trong những tỉnh giàu trữ lượng cây rừng ngập mặn nhất ở Nam Trung Bộ. Trước năm 1975, Khánh Hòa có 2.500ha rừng ngập mặn phân bố chủ yếu ven các đầm lớn: đầm Môn-vịnh Vân Phong (470 ha), đầm Nha Phu (700ha) và đầm Thủy Triều (260ha)…

Theo số liệu của Viện Hải dương học (đóng tại Nha Trang) đến năm 2010, rừng ngập mặn tại tỉnh chỉ còn 104ha. Hàng ngàn ha rừng ngập mặn ở tỉnh Khánh Hòa đã bị “xóa sổ” chỉ sau gần 50 năm.

Rừng mất nhanh và nhiều nhất trong giai đoạn 1990-2000 khi phong trào nuôi tôm lên ngôi, người dân đã chặt bỏ cây rừng khiến cấu trúc bị suy thoái nghiêm trọng, khả năng tự phục hồi là rất thấp.

Cây Cóc Trắng rừng ngập mặn bàu Cá Cái chuyển từ màu xanh sang màu trắng tuyết vào mùa Thu tạo khung cảnh ấn tượng. (Ảnh: TTXVN phát)

Những năm gần đây các dự án phát triển kinh tế-xã hội cũng tác động khiến rừng ngập mặn ở Khánh Hòa dần bị thu hẹp. Đơn cử như tại rừng ngập mặn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, với diện tích 20ha, nơi còn bảo tồn loài cây bần cổ thụ quý nhất Việt Nam, từ khi xây dựng tuyến đường Cổ Mã-Đầm Môn, nguồn nước mặn dẫn vào các ô rừng bần bị bịt kín khiến nhiều cây bị chết do điều kiện sống bị thay đổi.

Đặc biệt, năm 2020, khi thông tin Vân Phong sẽ trở thành đặc khu kinh tế, tình trạng “sốt đất” khiến những cây bần cổ thụ ở đây liên tục bị chặt phá, diện tích trồng bần bị lấn chiếm làm đất nền và nhà cửa.

Hiện tại, quần xã rừng bần cổ thụ ở Tuần Lễ đã bị xóa sổ, diện tích đất rừng được quy hoạch là phân khu 8, Khu đô thị du lịch Cổ Mã-Tu Bông thuộc Khu Kinh tế Vân Phong.

Theo báo cáo hiện trạng rừng Khánh Hòa năm 2023, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh hiện chỉ còn 48,23ha phân bố rải rác tại đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều và vịnh Nha Trang.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển tỉnh Khánh Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết diện tích rừng ngập mặn là nơi có hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm, hầu hết đã bị xóa sổ để nuôi thủy sản trước đây và hiện giờ các khu du lịch, khu dân cư mọc lên.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan là do hoạt động kinh tế, nhu cầu của con người, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan cũng là một nguyên nhân khiến rừng ngập mặn suy giảm./.

Đón đọc:

Bài 2: Hồi sinh rừng ngập mặn, xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt

Bài 3: Giải pháp phát triển bền vững, nhân rộng 'vành đai xanh'

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục