Vì sao khó xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ vỡ hụi, vỡ họ?

Quá trình điều tra, xác minh, chứng minh tội phạm trong các vụ vỡ hụi gặp rất nhiều khó khăn do thực tế, việc tổ chức hụi đều do những người tham gia tự thỏa thuận với nhau về hình thức, cách chơi...
Vì sao khó xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ vỡ hụi, vỡ họ? ảnh 1Việc chơi hụi, họ thường dựa trên niềm tin và các mối quan hệ. (Nguồn: Vietnam+)

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ vỡ hụi (còn gọi là họ, hội, huê, phường...) khiến nhiều người tham gia có nguy cơ bị mất tài sản. Theo Bộ Công an, tuy hoạt động này không bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam nhưng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tham gia.

Nhiều vụ vỡ hụi tại các địa phương

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, vào chiều 25/10, hơn 10 người dân đến tìm chị N.T.L.C (sinh năm 1991, chủ tiệm tạp hóa tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết). Tuy nhiên, chị N.T.L.C không có mặt tại địa chỉ trên.

Qua điều tra của cơ quan công an, chị N.T.L.C là chủ dây hụi lớn tại địa phương, có nhiều người tham gia với số tiền lớn (chưa xác định được số tiền cụ thể). Đến nay, Công an phường Phú Thủy đã tiếp nhận đơn tố cáo của 46 người, với tổng số tiền khoảng 17,5 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 19/10, tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, một chủ hụi khác là V.T.L.T đã rời khỏi địa phương. Bước đầu, công an xác định khoảng 50 người bị thiệt hại trong đường dây hụi của V.T.L.T với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Ngày 17/10, tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, vụ vỡ hụi xảy ra với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng với 46 người tham gia. Chủ hụi là H.T.T.V (sinh năm 1996, trú tại thành phố Phan Thiết) cùng chồng và hai con nhỏ đã rời khỏi địa phương.

[Thanh Hóa: Vỡ hụi, người dân kéo nhau lên trụ sở chính quyền kêu cứu]

Tại Thanh Hóa, ngày 23/6, Công an tỉnh này đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1976, thường trú tại xã Điền Lư, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2021 đến 6/2022, lợi dụng lòng tin của người dân, Nguyễn Thị Minh đã vay tiền mặt và đứng ra tổ chức chơi hụi, họ với khoảng 100 người dân trên địa bàn xã Điền Lư, huyện Bá Thước tham gia.

Do thấy Minh là người có điều kiện kinh tế nên những người chơi hụi đều tin tưởng đóng tiền đầy đủ hàng tháng. Ban đầu, Minh thực hiện việc trả tiền đầy đủ cho những người chơi. Tuy nhiên, quá trình làm ăn và chơi hụi thua lỗ, Minh bắt đầu vay tiền để trả nợ, đồng thời nhận tiền đóng hụi rồi sử dụng vào việc trả lãi.

Vì sao khó xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ vỡ hụi, vỡ họ? ảnh 2Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Minh - áo đỏ. (Ảnh: Công an cung cấp)

Từ tháng 7/2021, Minh mất khả năng thanh toán và phải đi vay tiền ở nhiều nơi hoặc nhận tiền thế hụi để có tiền trả cho những người đang nợ tiền và những người đến kỳ lấy hụi. Do tin tưởng Minh, nhiều người trên địa bàn xã Điền Lư, huyện Bá Thước vẫn đóng tiền hụi và đưa tiền thế hụi cho Minh mà không có giấy tờ giao nhận.

Đến ngày 28/6/2022, Minh tuyên bố vỡ nợ do không có khả năng trả nợ số tiền quá lớn (khoảng 10 tỷ đồng).

Hoang mang, lo lắng trước nguy cơ mất trắng số tiền cho vay và tham gia hụi, các bị hại đã làm đơn gửi lên cơ quan chức năng tố cáo Nguyễn Thị Minh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc chơi hụi dựa trên niềm tin và các mối quan hệ. Do vậy, người tham gia thường không đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó, đây là hoạt động mang tính tự phát, ít công khai. Dù số lượng người tham gia đông nhưng lại ít biết về nhau, ít thông tin về điều kiện kinh tế, mục đích của chủ họ, hụi.

Chủ họ, hụi cũng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia (thậm chí gian dối trong mục đích, phớt lờ các quyền được xem thông tin của người tham gia), không báo cáo với Ủy ban Nhân dân cấp xã theo quy định.

Theo lực lượng công an, quá trình điều tra, xác minh, chứng minh tội phạm trong các vụ vỡ hụi gặp rất nhiều khó khăn do thực tế, việc tổ chức hụi đều do những người tham gia tự thỏa thuận với nhau về hình thức lập dây hụi, biện pháp chơi...

Mặt khác, không giống như các loại hình cho vay, tiết kiệm khác, chủ họ không cần tài sản đảm bảo. Mặc dù pháp luật đã quy định việc tham gia họ phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay.

Khi xảy ra các vụ vỡ hụi, họ hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người tham gia sẽ khó có thể được bồi thường một cách đầy đủ.

Phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động hụi, họ

Người dân cần nhận diện những rủi ro khi tham gia hụi, họ và nâng cao cảnh giác, tránh để kẻ gian lợi dụng việc tham gia hụi, họ để chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ Công an, nhiều chủ hụi có thể lợi dụng uy tín, mối quan hệ hoặc sẽ trả lãi cao để thu hút nhiều người tham gia, thậm chí vượt quy định về trả lãi của Bộ luật Dân sự. Chủ hụi thường không thực hiện thỏa thuận bằng văn bản, thỏa thuận bằng miệng, gian dối trong việc cung cấp thông tin về dây hụi và không thực hiện báo cáo, quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật.

Thành viên chơi hụi có thể lĩnh hụi, nhận lãi một vài kỳ. Một số trường hợp chủ hụi có ý định lừa đảo thì có thể trả lãi rất cao, sau khi người tham gia đã đóng hụi hoặc thậm chí lôi kéo người thân tham gia, khi thu được số tiền góp hụi đủ lớn thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền và bỏ trốn.

Vì sao khó xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ vỡ hụi, vỡ họ? ảnh 3Công an hướng dẫn bị hại viết đơn trình báo trong một vụ vỡ hụi. (Nguồn: TTXVN)

Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến hụi, họ như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng), nắm rõ về điều kiện của chủ hụi, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ hụi, thành viên góp hụi quy định tại Nghị định số 19 năm 2019 của Chính phủ.

Người dân nên tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ hụi để có thể đặt niềm tin khi góp tiền. Người dân cũng cần tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây hụi định tham gia, có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp hụi, tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ hụi, các thành viên góp hụi để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có; lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi, họ.

Nếu điều hành từ 2 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì chủ hụi phải báo cho Ủy ban Nhân dân cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm.

Bộ Công an khuyến cáo khi phát hiện các thông tin như nhiều dây hụi của chủ hụi bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ hụi, người dân cần báo cho chính quyền địa phương để nắm bắt và giải quyết kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục