Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến chống dịch COVID-19?

"Làn sóng đầu tiên của dịch bệnh chưa bao giờ bị đánh bại, giờ đây là sự bùng phát của làn sóng thứ hai. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nước Mỹ đã thất bại," bác sỹ Karl Lauterbach nói.
Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến chống dịch COVID-19? ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng focus.de, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) ở Mỹ ngày càng xấu đi nghiêm trọng với liên tiếp các kỷ lục về số ca lây nhiễm mới được công bố mỗi ngày.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vẫn cho rằng nước Mỹ đã đạt được những thành công rõ ràng trong cuộc chiến chống đại dịch. Ở châu Âu, người ta nhìn đất nước này với sự ngạc nhiên và lo lắng.

"Chúng ta đã đạt được những tiến bộ rất đáng chú ý," Pence nói trong cuộc họp đầu tiên kể từ gần hai tháng qua của lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch COVID-19 của nước này. Số ca nhiễm mới được xác nhận ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các bang miền Nam. Tuy nhiên, số người tử vong đã giảm đáng kể trên toàn quốc, do đó tình hình có vẻ tốt hơn so với 2 tháng trước.

Khi khoa học không còn được tính đến nữa

Trái ngược với các cường quốc công nghiệp khác như Đức, Pháp, Canada, hay Hàn Quốc, nước Mỹ chưa bao giờ tính đến việc làm phẳng đường cong của dịch bệnh.

Từ khi một số bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo như Texas và Florida nới lỏng cách ly xã hội, đường cong dịch bệnh đã tăng mạnh trở lại. Ngay cả ở các vùng nông thôn số ca nhiễm bệnh cũng đang tăng nhanh.

"Người ta thực sự phải lo lắng vì tình hình dịch bệnh tại Mỹ," bác sỹ Karl Lauterbach - nghị sỹ Quốc hội Liên bang Đức - viết trên Twitter,

"Làn sóng đầu tiên của dịch bệnh chưa bao giờ bị đánh bại, giờ đây là sự bùng phát của làn sóng thứ hai. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nước Mỹ đã thất bại. Không ai biết phải làm thế nào để có thể ngăn chặn được đại dịch này. Bởi vì yếu tố khoa học đã bị bỏ qua."

Không đeo khẩu trang

Yếu tố khoa học từ lâu đã trở thành yếu tố trung tâm trong các tranh cãi chính trị ở Mỹ. Khẩu trang là một ví dụ, việc đeo hay không đeo khẩu trang trở thành chủ đề tranh cãi trong nhiều tuần mà Tổng thống Trump đứng ở vị trí trung tâm trong cuộc tranh cãi này.

Từ tháng 4/2020, Tổng thống Mỹ đã nói rõ rằng ông quyết định không đeo khẩu trang. Ông đã luôn gây ra sự khó chịu khi yêu cầu các phóng viên phải tháo khẩu trang mỗi khi đặt câu hỏi với ông. Thậm chí, có thể Trump còn cho rằng những người đeo khẩu trang là người thể hiện sự không đồng tình với mình.

"Có thể là như vậy, vâng, có thể là như vậy!" - ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Phố Wall khi được hỏi về điều này.

Đối với các đối thủ của ông Trump, việc ông từ chối đeo khẩu trang là thể hiện thái độ coi thường sự nguy hiểm của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

"Ông ta là một kẻ ngốc, một kẻ cực kỳ ngu ngốc", ứng cử viên Joe Biden - đối thủ của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới - nói trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Mỹ CNN. Các bác sỹ y khoa hàng đầu thế giới đều khuyên rằng mọi người nên đeo khẩu trang để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

[Lý do nước Mỹ "tả tơi" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19]

Nhà nghiên cứu miễn dịch hàng đầu của Mỹ trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Anthony Fauci, nói trong cuộc họp báo ngày 26/6: "Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng ở một số khu vực nhất định." Tuy nhiên, Phó Tổng thống Pence lại không nghĩ như vậy, ông cho rằng nhiều người trẻ tuổi nhiễm virus thường không có triệu chứng và chỉ có một số rất nhỏ sẽ chết vì SARS-CoV-2.

Ông Pence cũng cho rằng số lượng người nhiễm virus tăng nhanh là do Mỹ đã tăng cường các xét nghiệm mới. Tổng thống Trump cũng lập luận tương tự.

Ông Trump đã làm giảm tính chất nghiêm trọng của số lượng ngày càng tăng người nhiễm virus trước khi số liệu được công bố.

"Nếu chúng tôi không xét nghiệm, chúng tôi sẽ không có trường hợp nhiễm bệnh nào," ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn của báo Fox News hôm 25/6.

Cho đến nay, Mỹ đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 30 triệu dân, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Các cuộc vận động tranh cử vẫn diễn ra bất chấp đại dịch

 Phó Tổng thống Pence tiếp tục bảo vệ việc Trump và ông nối lại các hoạt động vận động tranh cử, mặc dù các chuyên gia y tế vẫn cho rằng không nên tổ chức các sự kiện có đông người tham gia như vậy.

"Tự do ngôn luận và quyền tập hợp hòa bình đã được quy định trong Hiến pháp nước Mỹ. Và chúng tôi có một cuộc bầu cử vào mùa thu năm nay," Pence nói.

Ngay cả trong một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, người Mỹ vẫn có quyền của họ theo quy định của Hiến pháp. Pence cho biết mục tiêu là "bảo vệ cuộc sống và mở cửa trở lại một cách an toàn." Tất cả 50 bang đều đã thực hiện các biện pháp mở cửa trở lại. Pence kêu gọi người dân Mỹ tiếp tục tuân theo các hướng dẫn phòng dịch để bảo vệ bản thân trước sự lây lan của virus. Đồng thời, Phó Tổng thống cũng yêu cầu người dân cầu nguyện.

Nỗi sợ hãi trước số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng chưa phát hiện được

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính rằng cho đến nay mới chỉ có một phần các ca nhiễm virus được phát hiện.

"Đối với mỗi trường hợp nhiễm bệnh mà chúng tôi ghi nhận được có thể sẽ có thêm mười người nhiễm bệnh khác tương ứng chưa được ghi nhận," Giám đốc CDC Robert Redfield nói. Điều đó có nghĩa là số lượng các ca nhiễm virus thực tế có thể gấp 10 lần con số được công bố.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Tổng thống Trump là người phải chịu trách nhiệm cho việc lây nhiễm ngày càng gia tăng, do ông đã yêu cầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã chỉ trích mạnh mẽ cách thức đối phó với đại dịch của chính phủ Tổng thống Trump. Pelosi đã nói trong một cuộc họp báo hôm 26/6 rằng quan điểm và hành động phản khoa học, "phủ nhận" và phản ứng quá chậm với đại dịch đã dẫn đến cái chết của quá nhiều người.

Các bang tiến hành đóng cửa một lần nữa

Những ngày qua, một số bang đã lên kế hoạch không thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội đã được công bố trước đó. Theo thông tin từ Washington Post, những bang này bao gồm Texas, Arizona, Florida và New Mexico.

Tại bang Texas, theo dữ liệu từ cơ quan y tế bang, kỷ lục 6.000 ca nhiễm bệnh mới đã được công bố hôm 25/6. Cũng trong ngày này, cơ quan y tế bang Florida đã công bố kỷ lục gần 9.000 ca nhiễm mới trong vòng một ngày. Các quán bar đã bị đóng cửa.

Trước đó, Thống đốc bang Texas Greg Abbott thuộc Đảng Cộng hòa cũng đã phải công bố một số biện pháp mới đối phó với dịch bệnh do số người nhiễm virus và số người phải nhập viện tại bang này ngày càng gia tăng.

Thống đốc bang Texas nói: "Thực tế cho thấy rõ rằng sự gia tăng các ca nhiễm mới phần lớn là do một số hoạt động nhất định, bao gồm cả việc tập trung tại các quán bar."

Ông đã tuyên bố rằng các quán bar sẽ không còn có thể đón khách nữa, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục