Vì sao người dân nên tầm soát ung thư để sớm bảo vệ sức khỏe?

Tỷ lệ ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh chóng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Số người chết vì ung thư cũng tăng cao, trong đó nguyên nhân rất lớn là do phát hiện ở giai đoạn muộn.
Bác sỹ khám tầm soát ung thư vú cho chị em phụ nữ. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Đau bụng quanh rốn khoảng nửa năm nay, kèm rối loạn đại tiện, đi ngoài lúc táo, lúc lỏng, đến viện được chỉ định nội soi, sinh thiết, chụp CT ổ bụng , ông T.T.B (61 tuổi, Hà Nội) bị phát hiện ung thư đại tràng.

Rất may, ông B phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm, chưa di căn đến các bộ phận xa của cơ thể.

Không may mắn như ông B, ông H.T. Hải (58 tuổi ở Phú Thọ) bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối sau khi làm hết các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Trước đó, khoảng 1 tuần ông đột nhiên thấy đau tức ngực, ho húng hắng, cảm giác đau tăng khi ho, thi thoảng khạc đờm trắng.

Trong quá trình thăm khám, ông Hải cho biết có thói quen hút thuốc lá 20 năm qua, trung bình 2 bao/ngày.

Cầm tờ giấy báo kết quả như nghe “sét đánh ngang tai,” bệnh nhân bàng hoàng không muốn tin vào sự thật: “Tại sao bệnh có thể tiến triển nhanh như vậy, tôi chỉ mới xuất hiện triệu chứng bất thường từ 1 tuần nay, trước đó cơ thể vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.”

Nhận định về trường hợp này, bác sỹ Phạm Sơn Tùng - Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: “Từ kinh nghiệm làm nghề, tôi không quá bất ngờ với kết quả này, bởi bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm qua. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Căn bệnh này được coi là ‘sát thủ giết người thầm lặng' bởi thông thường, chỉ đến giai đoạn cuối bệnh mới xuất hiện biểu hiện lâm sàng.”

Theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nếu mắc bệnh, vì vậy việc tầm soát ung thư là vô cùng quan trọng.

Mỗi năm có trên 180.000 ca mắc ung thư

Ung thư là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô cơ thể bình thường.

Hầu hết, các tế bào trong cơ thể có chức năng cụ thể và tuổi thọ cố định. Trong quá trình điều hòa, một tế bào nhận được chỉ thị để chết và cơ thể có thể thay thế nó bằng một tế bào mới hơn hoạt động tốt hơn. Với các tế bào ung thư thiếu các yếu tố hướng dẫn chúng ngừng phân chia và chết. Kết quả dẫn đến sự tích tụ trong cơ thể, sử dụng oxy và chất dinh dưỡng thường nuôi dưỡng các tế bào khác. Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở một khu vực, sau đó lan rộng qua các hạch bạch huyết.

[Chuyên gia: Phụ nữ nên chụp X-quang tầm soát ung thư vú từ năm 40 tuổi]

Theo báo cáo từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới, số ca tử vong trên 122.000 trường hợp.

Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư cũng có xu hướng tăng ở hầu hết quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận mỗi năm hơn 19 triệu ca mắc mới ung thư và hơn 10 triệu người tử vong vì bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.

Theo thống kê hiện có khoảng hơn 200 bệnh ung thư. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư mà mới chỉ xác định được các yếu tố nguy cơ của bệnh. Trước đây, ở Việt Nam, tử vong do ung thư đứng thứ ba sau tim mạch và bệnh nhiễm trùng, nay vượt lên thứ hai cho thấy gánh nặng của căn bệnh này vô cùng lớn.

Về lý do ca mắc ung thư tại Việt Nam gia tăng, chuyên gia Bệnh viện K lý giải, số mắc ung thư mới gia tăng là do dân số tăng, tuổi thọ tăng lên. Ung thư là bệnh mà càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc càng cao. Bên cạnh đó là yếu tố môi trường, xã hội như ô nhiễm môi trường, nước, không khí, thực phẩm…, lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động… Cùng đó những tiến bộ trong vấn đề chẩn đoán cũng giúp chúng ta tìm ra nhiều bệnh nhân ung thư hơn.

Vì sao nên quan tâm tầm soát ung thư?

Hiện nay, tỷ lệ ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh chóng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Số người chết vì ung thư đang tăng nhanh chóng mặt. Và nguyên nhân rất lớn dẫn tới tình trạng này đó là do phát hiện ung thư quá muộn.

Bệnh nhân ung thư. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nhiều người khi được phát hiện, ung thư đã ở trong giai đoạn cuối, dẫn tới việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Chính vì thế, tầm soát ung thư là việc làm quan trọng cần được thực hiện định kỳ.

Tầm soát ung thư sẽ giúp phát hiện ung thư từ sớm. Nhờ đó, người bệnh có thể có phương hướng và phác đồ điều trị phù hợp. Điều này có thể giúp tăng khả năng điều trị bệnh tận gốc và giúp tiết kiệm chi phí.

Kíp phẫu thuật bằng hệ thống Robot Davinci thế hệ XI hiện đại cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp. (Ảnh: TTXVN phát)

Các chuyên gia khuyến khích mọi người nên tham gia khám bệnh và kiểm tra cơ thể tối thiểu 1 lần mỗi năm. Nếu cơ thể chẳng may mắc phải bệnh ung thư nhưng được phát hiện sớm sẽ mang đến cơ hội chữa trị khả thi hơn và mang lại cơ hội sống tốt hơn.

Ngoài ra đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác, việc tầm soát ung thư cũng là cơ hội để họ kiểm tra lại sức khỏe để chắc chắn rằng cơ thể vẫn đang khỏe mạnh và có bị di truyền bệnh từ người thân hay không. Qua đó điều chỉnh phương pháp sinh hoạt lành mạnh hơn, góp phần cải thiện cuộc sống.

Quy trình tầm soát ung thư

Bước 1: Khám lâm sàng

Ở bước này người bệnh sẽ được tiến hành kiểm tra các bước cơ bản trong quy trình rà soát ung thư. Các bác sỹ có chuyên môn sẽ hỏi người bệnh về hồ sơ bệnh án, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. Từ đó đưa ra đánh giá thích hợp về các triệu chứng bất thường mà người bệnh đang cảm thấy. Đó có thể cơ thể có đang thấy không ổn ở đâu không? Cảm thấy đau ở vị trí nào?...). Sau đó bác sỹ sẽ chỉ định những phương thức tầm soát phù hợp dựa trên kết quả khám lâm sàng.

Bước 2: Thực hiện kiểm tra cận lâm sàng cơ bản

Ở bước này người bệnh sẽ được thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân,...

Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh

Sau khi đã thực hiện một số xét nghiệm cần thiết các bác sỹ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua hình thức thăm dò hình học như chụp X-Quang, chụp CT, siêu âm, nội soi, xét nghiệm gene.

Các bệnh ung thư cần tầm soát thường xuyên:

- Ung thư vú: Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát từ tuổi 40.

- Ung thư cổ tử cung: Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap (phết tết bào cổ tử cung). Từ 30 đến 65 tuổi cần làm thêm xét nghiệm HPV. Trên 65 tuổi, không cần tầm soát ung thư cổ tử cung nếu các xét nghiệm tầm soát trước đó có kết quả bình thường.

- Ung thư trực tràng: Nên bắt đầu tầm soát thường xuyên từ tuổi 45.

- Ung thư phổi: Những người hút thuốc lá có nguy cơ rất cao nên thực hiện tầm soát sớm

- Ung thư tuyến tiền liệt: Nên tầm soát bắt đầu từ năm 45 tuổi với nam giới có người thân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và từ 50 tuổi với nam giới có nguy cơ mắc bệnh trung bình.

- Ung thư buồng trứng: Độ tuổi bắt đầu tầm soát là từ 30 đến 35 tuổi và được khuyến cáo cho những bệnh nhân có tiền sử gia đình có người bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú.

Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao như người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, làm việc trong môi trường độc hại, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia... nên thực hiện tầm soát ung thư sớm hơn để được bác sỹ tư vấn, theo dõi sức khỏe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục