Từ một con sông trong xanh góp phần tiêu thoát nước trên địa bàn 6 quận, huyện của Thủ đô, sau một thời gian bị “bức tử,” Tô Lịch đã trở thành một dòng sông “chết” - nơi chứa nước thải bẩn thỉu và rác thải.
Không thể phủ nhận, suốt 3 thập kỷ qua, chính quyền Hà Nội, cùng nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã triển khai nhiều giải pháp, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân, nhưng đến nay, sông Tô Lịch vẫn chưa thể “hồi sinh” trở lại.
Gian nan “hồi sinh” dòng sông... “chết”
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, sông Tô Lịch khởi nguồn từ một nhánh của sông Hồng, là một con sông nhỏ, có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua 6 quận, huyện (Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, và Thanh Trì).
Trong quá trình đô thị hóa, sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp, nhiều đoạn hành lang bảo vệ bị lấn chiếm, tập kết rác và xả nước thải bừa bãi, đã khiến chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sau một thời gian dài bị “bức tử” bởi các nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp độc hại, cùng với phế liệu và rác thải,… từ một con sông đẹp, Tô Lịch đã nhanh chóng trở thành một dòng sông “chết” bốc mùi hôi thối nồng nặc.
[Chuyên gia Nhật Bản sẽ tắm trên sông Tô Lịch để chứng minh mức độ sạch]
Mặc dù, cuối những năm 1990, sông Tô Lịch đã bắt đầu được nạo vét đáy, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Tiếp đó, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp cấp bách như dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch, sử dụng chế phẩm Redoxy3C để xử lý ô nhiễm, hay thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor (Nhật Bản) và gần đây nhất là hồi sinh “dòng sông chết” bằng nước hồ Tây… Vậy nhưng, đến nay, sông Tô Lịch vẫn… “bẩn.”
Thực tế, theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch thông qua gần 300 ống cống. Ngoài ra, hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nguồn nước thải “bẩn” của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển…
Trong khi đó, theo giới chuyên gia môi trường, nguyên nhân khiến sông Tô Lịch bị ô nhiễm dai dẳng suốt nhiều năm, trong khi chúng ta đã có một hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều chế tài và sự tham gia quản lý của nhiều cơ quan từ Trung ương tới địa phương, là do “lỗ hổng” trong công tác thực thi quản lý.
Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, hướng đến khắc phục, cải thiện chất lượng nước sông vẫn còn hạn chế. Nhiều nơi, người dân còn tập kết phế liệu, rác thải ngổn ngang ở hai bên bờ sông.
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus dọc sông Tô Lịch, ở khu vực các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, và huyện Thanh Trì vào những ngày đầu tháng 8/2019 cho thấy, hai bên sông vẫn xuất hiện các điểm đổ phế liệu, rác thải tự phát. Mỗi khi mưa xuống, rác lại tràn xuống, khiến dòng sông vốn dĩ đã bẩn lại càng ô nhiễm hơn.
Cần thay đổi nhận thức và quản lý có trách nhiệm
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, chị Thuỷ, một công nhân vệ sinh môi trường ở ven sông Tô Lịch, đoạn qua địa bàn quận Cầu Giấy, cho biết, suốt 13 năm gắn bó với công việc thu gom rác, chị rất ít khi thấy người dân vứt rác xuống sông Tô Lịch nhưng tình trạng tập kết, vứt rác bừa bãi ở ven bờ sông thì vẫn phổ biến.
Về việc vì sao sông Tô Lịch quá bẩn, nhiều đoạn sông có nhiều rác, chị Thuỷ cho rằng sông ô nhiễm là do nhiều nguồn thải khác nhau. Còn việc xuất hiện rác trên sông có thể là nơi khác trôi đến, hoặc mỗi khi mưa, rác ở hai bên bờ trôi xuống.
“Ở đây, người dân thường chỉ vứt đồ thờ, đồ cúng bái. Như ngày lễ Tết, người dân hay vứt bàn thờ, bát hương xuống sông để cho... mát,” chị Thủy chia sẻ thêm.
Điều mà những công nhân vệ sinh môi trường như chị Thủy băn khoăn là không phải lúc nào, ở đâu, người dân cũng có ý thức bảo vệ môi trường chung, không vứt đổ phế liệu, rác thải bừa bãi ở ven sông. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều tự giác giữ gìn môi trường sẽ góp phần tạo lập môi trường sống xanh hơn và cũng giảm đi bao nhiêu vất vả cho những công nhân như họ.
Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Đào Trọng Tứ-Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, không vứt đổ phế liệu, rác thải bừa bãi ở ven sông Tô Lịch là điều cần thiết.
“Nhưng, nói đi cũng phải nói lại là vì sao người dân vẫn vứt đổ phế liệu, rác thải như vậy? Đó là câu chuyện của việc quản lý chưa nghiêm,” ông Tứ nhấn mạnh.
[Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch: Giải pháp hay, nhưng cần kiểm nghiệm!]
Theo vị chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, từ khi bê tông hóa sông Tô Lịch, dòng sông này chỉ được tiếp nhận có 2 nguồn nước chính, đó là nước thải và nước mưa. Tuy nhiên, vì lượng nước thải chưa qua xử lý đổ xuống sông hàng ngày quá lớn và không có dòng chảy, nên Tô Lịch đã trở thành một dòng sông chết, hay đúng hơn là con kênh chứa nước thải.
Bởi thế, để làm sạch cũng như “hồi sinh” sông Tô Lịch, theo ông Tứ, việc đầu tiên là phải tách nước thải bằng cách xử lý nguồn nước tại nguồn trước khi xả xuống sông. Thứ hai là cần phải tạo nguồn nước sạch, tạo dòng chảy thường xuyên bằng cách dùng nước Sông Hồng, hay nước hồ Tây để thau rửa sông Tô Lịch.
Một vấn đề khác cần quan tâm là nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân. Cần dẹp bỏ các điểm đổ phế liệu, rác thải ven sông. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm như lấn chiếm hành lang sông, đổ phế liệu, rác thải gây ô nhiễm.
“Nếu chúng ta làm nghiêm túc, tôn trọng kiến nghị của các chuyên gia, người dân cùng chung tay thực hiện, tôi tin sông Tô Lịch sẽ sẽ sạch,” ông Tứ nhấn mạnh.
Có chung quan điểm với tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nhiều chuyên gia về nước cũng khẳng định việc “hồi sinh” sông Tô Lịch là điều hoàn toàn có thể làm được, nếu có sự “chung tay” của các cấp ban, ngành thành phố Hà Nội, các nhà quản lý, giới chuyên gia và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.
Tình huống tiến sĩ Kubo Jun, chuyên gia Nhật Bản, chiều 8/8/2019, đã tắm, ngụp lặn dưới bể nước tại khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor, để chứng minh độ an toàn của nguồn ngước sau khi được xử lý, đã phần nào cho thấy quyết tâm làm sạch “dòng sông chết” là điều cần thiết.
Dẫu rằng, nhiều chuyên gia và người dân vẫn còn tỏ ra khá bất ngờ khi chứng kiến cảnh chuyên gia ngụp lặn dưới sông Tô Lịch, bởi quan sát bằng mắt thường có thể thấy rõ nước trong bể sạch hơn nước sông rất nhiều, nhưng về chất lượng nước thì vẫn còn phải chờ công bố. Hơn nữa, sông Tô Lịch có dài 14km, hàng ngày vẫn phải tiếp nhân khối lượng lớn nước thải chưa qua xử lý, rõ ràng vẫn là thách thức.
Tuy nhiên, qua hình ảnh chuyên gia Nhật Bản dội nước của con sông “chết” này lên đầu, thậm chí còn ngụp sâu dưới nước, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng công nghệ xử lý này kết hợp giải pháp xử lý nguồn nước thải tại nguồn, cung cấp nguồn nước sạch để tạo dòng chảy thường xuyên, sẽ “hồi sinh” được con sông Tô Lịch.
Bên cạnh đó, người dân sinh sống ven sông cũng cần “thay đổi bản thân” bằng cách “nói không với việc đổ phế liệu, rác thải ven sông” để bảo vệ môi trường sông Tô Lịch, hướng tới để lại cho các thế hệ tương lai một dòng sông xanh./.