Sau khi xác định được vị trí của đội bóng thiếu niên Thái Lan mắc kẹt trong hang động ngập nước, đội ngũ cứu hộ đang phải đau đầu với bài toán làm thế nào đưa tất cả số người này ra ngoài an toàn.
7 thợ lặn thuộc Hải quân Thái Lan cùng các bác sĩ và y tá đã mất cả tối ngày 3/7 để kiểm tra sức khỏe cho đội bóng thiếu niên. Mặc dù rất muốn đưa đội bóng ra khỏi hang càng sớm càng tốt, nhưng nhân viên phụ trách truyền thông của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, ông Kamolroj Ekwattanakij khẳng định quá trình này chỉ có thể bắt đầu nếu tình trạng sức khỏe của các em đạt yêu cầu.
Liệu đội bóng thiếu niên đã được an toàn?
Nhiều người nghĩ rằng khi đã định vị được đội bóng thiếu niên, các em sẽ an toàn kể từ đây. Nhưng nhận định như vậy là quá vội vàng. Theo chẩn đoán ban đầu từ đội ngũ y tế, các em nhỏ và huấn luyện viên hiện đang bị viêm da dạng nhẹ. Những hiện tượng này đã xuất hiện khi các em mới ở trong hang động hơn 10 ngày. Nếu phải ở lại lâu hơn, khó có thể bảo đảm sức khỏe của đội bóng sẽ không gặp thêm nhiều vấn đề.
Vị trí của đội bóng nằm ở cách cửa hang khoảng 2km và ở độ sâu khoảng 800m so với bề mặt. Do ở vị trí thấp như vậy, các chuyên gia lo ngại nếu mực nước tăng, nơi trú ẩn của đội bóng thiếu niên sẽ không còn an toàn nữa.
Cơ quan chức năng Thái Lan đang bơm nước từ hang ra ngoài liên tục. Tuy nhiên hiện đang là mùa mưa ở Thái Lan, do đó chỉ cần một đợt mưa kéo dài cũng có thể khiến mọi công sức "đổ sông đổ biển"
[Video] Tình hình sức khỏe đội bóng thiếu niên Thái Lan
Vì sao không thể đưa những người bị kẹt ra bằng đường vào?
Những thợ lặn nhiều kinh nghiệm đã phải mò mẫm rất lâu trong những lối đi ngập nước và chật hẹp suốt nhiều giờ đồng hồ để đến được vị trí đội bóng. Định vị giữa một địa hình hiểm trở như vậy trong điều kiện không có ánh sáng, chưa kể dòng chảy mạnh và bùn lầy, là một nhiệm vụ cực kì khó khăn.
Phó Chủ tịch Hội đồng giải cứu hang động Anh, ông Bill Whitehouse cho biết mọi phương án cứu hộ đang được tính đến, nhưng phương án lặn ra ngoài lại là một trong những lựa chọn cuối cùng. Các chuyên gia cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực lặn đưa người bị mắc kẹt ra ngoài sẽ vấp phải vô vàn khó khăn và nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn nếu như đối tượng là người không biết bơi.
Chuyên gia về cứu hộ trong hang động Anmar Mirza cho biết: "Lặn trong hang động cực kì nguy hiểm, ngay cả với những người có nhiều kinh nghiệm. Giờ đây bạn muốn đưa những người không có kinh nghiệm lặn ra ngoài trong điều kiện không có ánh sáng, chỉ có một người hướng dẫn và phải thở bình."
Bà Mirza phản đối phương án nguy hiểm này, thay vào đó khuyến cáo lựa chọn tốt nhất hiện nay là giữ nguyên vị trí trú ngụ, tiếp tục chu cấp nhu yếu phẩm cho đến khi mực nước giảm hoặc tìm thấy một lối đi mới.
Đội bóng thiếu niên sẽ phải ở trong hang động bao lâu nữa?
Đại úy Akanand Surawan thuộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết đã cung cấp thực phẩm đủ dùng trong 4 tháng cho đội bóng thiếu niên. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cơ quan chức năng Thái Lan đang tính tới phương án chờ cho đến khi mùa mưa kết thúc mới tiến hành giải cứu.
Nhưng theo chuyên gia về thám hiểm Tim Taylor, việc chờ đến khi thời tiết cải thiện là không khả thi. Nguyên nhân bởi đội bóng Thái Lan đang phải tạm trú ở một khối đá xốp có độ dốc lớn, khiến điều kiện sinh hoạt bị hạn chế rất nhiều. Việc ở lại cũng không phải lựa chọn an toàn do kết cấu hệ thống hang động Tham Luang, nếu mực nước tăng thì cả hang động sẽ bị ngập.
Ông Taylor cho rằng điều mà các chuyên gia lo ngại nhất hiện nay chính là tinh thần và tâm lý của các em thiếu niên, chứ không phải là kinh nghiệm bơi lặn. Đặc biệt trong bối cảnh các em đã phải ở trong môi trường tối tăm và ẩm ướt quá lâu. Ông nói: “Bạn không cần biết bơi để lặn, có các thiết bị lặn làm phần việc ấy rồi. Nhưng bạn phải thật thoải mái mới có thể vượt qua được nỗi sợ trong hành trình. Đó mới là điều khó khăn lúc này. Phương án này không phải không khả thi, nhưng sẽ không thể xong ngay được. Tôi nghĩ rằng họ sẽ huấn luyện cho các em thiếu niên.”
Rõ ràng sau khi tham chiếu thông tin của vụ việc, mỗi chuyên gia lại có những nhận định và đề xuất khác nhau. Điều đó cho thấy gần như không có một phương án an toàn nào để đưa những người bị nạn ra ngoài. Khác với những vụ mắc kẹt thông thường, đội ngũ giải cứu đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa là “đi cũng không được, ở lại cũng không xong”.
Đúng với những dự đoán từ trước, tìm được vị trí của các em mới chỉ là bước khởi đầu./.