Theo bài phân tích trên tạp chí Foreign Affairs, hồ sơ thất bại của Mỹ ở Trung Đông trong hai thập kỷ qua rất dài và đáng thất vọng.
Trên khía cạnh chính trị, giới quan chức và nhà phân tích đều tin rằng các xã hội Trung Đông cần sự giúp đỡ của Washington và Mỹ có thể sử dụng sức mạnh của mình một cách xây dựng trong khu vực.
Theo sau đó là những nhiệm vụ chưa có kết quả nhằm chuyển đổi các xã hội Arab, giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, dập tắt chủ nghĩa thánh chiến và chấm dứt phát triển công nghệ hạt nhân của Iran.
Một sự đồng thuận mới đã hình thành giữa giới tinh hoa chính sách đối ngoại của Mỹ. Phải chăng đã đến lúc Washington phải thừa nhận rằng họ không còn lợi ích quan trọng trong khu vực và giảm đáng kể tham vọng của mình, rút bớt lực lượng và thậm chí có thể kết thúc kỷ nguyên “chiến tranh bất tận” bằng cách rút hoàn toàn khỏi Trung Đông. Sau hai thập kỷ khó khăn, những lập luận như vậy có vẻ thuyết phục.
Thật không may, tất cả các cuộc thảo luận trong những năm gần đây về việc rút quân đã làm suy yếu ảnh hưởng của Washington. Do các nhà lãnh đạo Trung Đông nhận ra rằng Mỹ có ý định từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình, Trung Quốc và Nga đã nổi lên như những nhà trung gian quyền lực thay thế.
Tuy nhiên, rời khỏi Trung Đông không phải là một chính sách đúng đắn. Washington vẫn có những lợi ích quan trọng đáng được bảo vệ, ngay cả khi những thay đổi về chính trị, công nghệ và xã hội đã khiến những lợi ích đó trở nên ít quan trọng hơn so với những thập kỷ trước. Thay vì sử dụng sức mạnh của Mỹ để tái thiết khu vực, các nhà hoạch định chính sách cần phải theo đuổi mục tiêu thực tế và khả thi hơn nhằm thiết lập và duy trì sự ổn định.
Ý tưởng thoái lui
Những lời kêu gọi thu hẹp quy mô, rút lui hoặc rút khỏi Trung Đông từng bị bỏ ngoài tai, nhưng giờ đây, sự phản đối sử dụng vũ lực của Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và trong giới bình luận chính sách đối ngoại lại áp đảo.
Câu hỏi phải đối phó thế nào với chương trình hạt nhân của Iran đã tạo ra nhiều tranh cãi hơn là cuộc xung đột ở Syria và Libya, và nhiều tiếng nói có ảnh hưởng ủng hộ hành động quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, những bất đồng chủ chốt không nằm trong liệu có nên sử dụng vũ lực hay theo đuổi ngoại giao, mà là liệu thỏa thuận hạt nhân mà Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama xây dựng có đem lại kết quả ngoại giao tốt nhất hay không.
[Mỹ khó khăn trong việc hàn gắn quan hệ giữa Israel và các nước Arab]
Có lẽ ví dụ nổi bật nhất về sự thay đổi quan điểm trong sử dụng vũ lực ở Trung Đông là phản ứng của Mỹ đối với cuộc tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hồi tháng 9/2019, mà hầu hết các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng do Iran thực hiện. Trong 40 năm qua, chính sách của Mỹ là bảo vệ các mỏ dầu ở Vịnh Persian.
Tuy nhiên, khi một cuộc tấn công đã tạm thời làm gián đoạn một phần đáng kể nguồn cung dầu tới thị trường thế giới, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ đã đưa ra những cảnh báo không phải về sự hung hăng của Iran mà về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra từ phản ứng quân sự của Mỹ.
Sự kiềm chế như vậy có thể là phù hợp, song những tranh cãi gần như không xuất hiện là một dấu hiệu đáng chú ý. Xét cho cùng, nhân tố chiến lược quan trọng nhất đối với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực - và sự biện minh cho việc chi hàng tỷ USD trong nhiều thập kỷ để đảm bảo ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực - là sự cần thiết duy trì dòng chảy tự do của tài nguyên năng lượng tại Vịnh Persian.
Không chỉ đơn giản là bộc lộ sự miễn cưỡng trong việc sử dụng vũ lực, những tranh luận về việc có phản ứng quân sự đối với các cuộc tấn công của Iran chỉ ra một vấn đề sâu sắc hơn: Thiếu một khuôn khổ chia sẻ chung để cân nhắc thông qua các lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Nhóm lợi ích vốn định hình chính sách của Mỹ đối với Trung Đông từ lâu đã mất đi sự quan tâm. Trong khi đó, khu vực này luôn phức tạp lại càng trở nên phức tạp hơn. Đối mặt với những thực tế mới này, các quan chức và nhà phân tích của Mỹ dường như thoái lui ý tưởng, một sự chung tay tập thể giải thích phần nào sự kêu gọi sự tiết giảm và rút lui ngày càng phổ biến.
Xuyên suốt Chiến tranh Lạnh và tới thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, duy trì giá xăng rẻ cho người tiêu dùng Mỹ, hỗ trợ an ninh Israel, chống khủng bố và ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là tất cả những mục tiêu mà người Mỹ và các nhà lãnh đạo của họ thể hiện sự sẵn sàng chi tiêu và thậm chí hy sinh cả con người.
Cả bốn mục tiêu này vẫn quan trọng, nhưng đã trở nên ít quan trọng hơn trong những năm gần đây. Sự bùng nổ về công nghệ bẻ gẫy thủy lực đã cho phép Mỹ trở nên độc lập về năng lượng (hoặc gần như vậy). Điều này đã đặt ra câu hỏi giữa các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà phân tích về việc liệu bảo vệ dòng chảy tự do của nhiên liệu hóa thạch từ Trung Đông có đáng để Mỹ đầu tư hay không.
Israel tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ, nhưng những thay đổi về nhân khẩu học và chính trị ở Mỹ có thể sẽ làm giảm sự hào phóng của Washington trong những thập kỷ tới. Và ngày càng khó để đánh giá rằng Israel vẫn cần sự hỗ trợ của Mỹ.
Israel là một quốc gia giàu có với nền kinh tế tiên tiến hội nhập tốt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
GDP bình quân đầu người của Israel tương đương với Pháp và Anh, và vị trí chiến lược của Israel chưa bao giờ tốt hơn thế. Iran vẫn là một thách thức, song Lực lượng Phòng vệ Israel có thể ngăn chặn Tehran và các đồng minh, và Israel sở hữu một lực lượng quân sự hùng hậu hơn bất kỳ nước láng giềng nào.
Israel đã phát triển quan hệ với các nước Arab ở Vịnh Persian, bao gồm bình thường hóa quan hệ với Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - ngay cả khi Israel thắt chặt vòng vây đối với Bờ Tây trong nửa thế kỷ qua. Nói một cách đơn giản, Israel không còn là một đồng minh sống còn.
Cùng lúc, chủ nghĩa khủng bố không còn tạo ra những xung lực như nó đã từng gây ra đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Mỹ không phải gánh chịu cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt khác trên quy mô tương tự vụ tấn công 11/9, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị xóa sổ ở Iraq và Syria, và trong thời đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, người Mỹ dường như có nhiều thứ để quan tâm trong cuộc sống hàng ngày hơn là từ khủng bố.
Hầu hết người Mỹ, bao gồm nhiều người trong cộng đồng chính sách đối ngoại, giờ đây cho rằng việc không phổ biến vũ khí hạt nhân là một vấn đề được giải quyết tốt nhất thông qua ngoại giao, hoặc ít nhất là không đòi hỏi hạ tầng quân sự mà Mỹ hiện đang duy trì trong khu vực.
Giữ vững lập trường
Nếu việc bảo vệ dòng chảy của dầu mỏ, bảo vệ Israel, chống khủng bố và ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt không còn khiến Trung Đông trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ hoặc biện minh cho sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ ở đó, điều gì sẽ xảy ra?
Bắt đầu với Iran. Mỹ đã không thể ép buộc hoặc thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo này từ bỏ nhiệm vụ tìm kiếm vũ khí hạt nhân, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố hoặc chấm dứt đàn áp tàn bạo đối với công dân của mình. Washington nên bỏ qua các mục tiêu đó. Thay vào đó, Mỹ nên theo đuổi một chính sách hiệu quả hơn và ít nguy hiểm hơn, đó là kiềm chế.
Điều này có nghĩa là từ bỏ mục tiêu thay đổi chế độ, mà thay vào đó là hạn chế việc thực thi quyền lực của Iran trong khu vực bằng cách thiết lập các quy tắc ngầm về hành vi Iran có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, kiềm chế không chỉ là một phương thức trong ngoại giao cứng rắn mà nó đòi hỏi sự hiện diện của các lực lượng quân sự và đe dọa sử dụng chúng.
Nhiều người trong cộng đồng chính sách đối ngoại của Mỹ hy vọng rằng dưới một chính quyền tổng thống khác, Mỹ sẽ tham gia lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện năm 2015, trong đó Iran đã đồng ý giới hạn có thể kiểm chứng được các hoạt động hạt nhân của họ để đổi lấy việc giảm bớt các lệnh trừng phạt, hoặc đàm phán một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, những động lực trong khu vực không tự dẫn đến kết quả như vậy.
Cho dù thỏa thuận mới có thể được soạn thảo tốt đến mức nào, nó sẽ gây ra những tiếng xấu ở Israel, Saudi Arabia và UAE. Các quốc gia đó sẽ tìm mọi cách để phá hoại bất kỳ thỏa thuận mới nào, dù Mỹ có cung cấp bao nhiêu khí tài quân sự để đổi lấy sự đồng thuận của họ.
Và ngay cả khi ba nước này đã chấp nhận, nguồn vũ trang của Mỹ sẽ giúp họ dễ dàng phá hoại thỏa thuận bằng cách sử dụng những vũ khí đó chống lại Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Khi đó, nỗ lực ổn định khu vực thông qua các cuộc đàm phán rất có thể phản tác dụng.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn không có nghĩa chỉ đơn giản là kiểm soát người Iran phát triển vũ khí hạt nhân; chiến lược này sẽ không loại trừ đối thoại, các biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực để ngăn chặn kết quả đó.
Trên thực tế, nó sẽ liên quan đến sự kết hợp của cả ba yếu tố trên. Kế hoạch kiềm chế sẽ không hào nhoáng và không ai theo đuổi điều này sẽ giành được giải Nobel Hòa bình. Nhưng liệu pháp này hứa hẹn một điều ít nhất có thể đạt được: giảm căng thẳng ở Vịnh Persian.
Bên cạnh đó, mặc dù đã giảm bớt về quy mô, các nhóm thánh chiến như al Qaeda và IS vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng. Những người ủng hộ một số hình thức rút quân thường cho rằng việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông có thể giảm thiểu nguy cơ đó.
Tuy nhiên, có phần ảo tưởng khi tin rằng khủng bố thánh chiến sẽ biến mất sau khi người lính Mỹ cuối cùng ra đi; các hệ tư tưởng thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan vẫn bám rễ vững chắc trong khu vực và luôn kêu gọi bạo lực chống lại những kẻ dị giáo cho dù họ có chiếm đóng bất kỳ lãnh thổ cụ thể nào hay không.
Để chống lại mối đe dọa dai dẳng này, những gì Washington cần không phải là một "cuộc chiến chống khủng bố" được xây dựng trên tầm nhìn về thay đổi chế độ, thúc đẩy dân chủ và thu được thắng lợi nhân tâm, mà là một cách tiếp cận thực tế tập trung vào thông tin tình báo, thu thập, công tác cảnh sát, hợp tác đa phương và áp dụng bạo lực một cách hợp lý khi được yêu cầu.
Bỏ qua lời nói khoa trương “Nước Mỹ trên hết,” chiến lược quốc gia chống khủng bố năm 2018 của chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra một lộ trình khá tốt, với hy vọng rằng Washington có thể sửa chữa nền chính trị của khu vực trong khi đưa ra cách tiếp cận chống khủng bố theo cách có cơ hội giảm vấn đề xuống mức có thể quản lý được.
Trong khi đó, ngay cả trong thời kỳ bùng nổ công nghệ bẻ gãy thủy lực, dầu mỏ Trung Đông vẫn quan trọng đối với Mỹ. Tuy nhiên, việc bảo vệ các tuyến đường biển mà thông qua đó một phần đáng kể nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu đi qua chỉ cần sự hiện diện quân sự nhỏ hơn nhiều so với những gì Washington đã thiết lập trong hai thập kỷ qua.
Một nhóm nhỏ các tàu Hải quân Mỹ với sự bổ trợ của các máy bay chiến đấu đóng tại các căn cứ không quân trong khu vực hoặc trên một tàu sân bay là đủ. Sắp xếp lại những nguồn lực của Mỹ theo cách đó sẽ có thêm lợi ích là giảm nguy cơ các nhà hoạch định chính sách tương lai của Mỹ bị cám dỗ theo đuổi những dự án có ít liên quan (nếu có) với tự do hàng hải, do đó ít xảy ra khả năng tiếp cận quá mức.
Có lẽ thay đổi lớn nhất trong cách tiếp cận của Washington đối với khu vực là quan hệ của họ với Israel. Mỹ không còn là nhà bảo trợ của Israel. Điều này không phải vì Washington trừng phạt Israel vì hành vi của họ ở Dải Gaza và Bờ Tây, điều khiến giải pháp hai nhà nước trở nên bất khả thi. Thay vào đó, nó phản ánh sự thành công trong chính sách của Mỹ, trong đó tìm cách đảm bảo an ninh và chủ quyền cho Israel. Cả hai điều này đều đã đạt được mà không vấp phải sự ngờ vực nào.
Các nhà lãnh đạo Mỹ luôn muốn có quan hệ tốt đẹp với một nhà nước Israel mạnh mẽ và an toàn. Nhưng Mỹ không cần viện trợ cho Israel nữa. Để đạt được mục tiêu đó, hai bên nên đồng thuận loại bỏ dần hỗ trợ quân sự của Mỹ trong thập kỷ tới.
Do sự thay đổi về nhân khẩu học và chính trị ở Mỹ, việc chấm dứt viện trợ như vậy có thể sẽ diễn ra trong một tương lai không xa. Một thỏa thuận loại bỏ điều đó có kế hoạch và có thể dự đoán trước sẽ giúp người Israel có thể đình hình cách thức tiến trình diễn ra và tránh một kịch bản thay thế, trong đó viện trợ của Mỹ trở thành có điều kiện.
Nhưng ngay cả khi không còn viện trợ quân sự, quan hệ đối tác Mỹ-Israel sẽ vẫn bền chặt. Hai nước sẽ vẫn cùng có lợi nếu tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và công nghệ. Những kẻ thù của Israel sẽ phải vật lộn để tạo ra bất kỳ khoảng cách nào giữa Washington và Jerusalem.
Nếu Mỹ rút khỏi Trung Đông, vấn đề cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn tại một khu vực ít quen thuộc là phía Đông Địa Trung Hải, nơi căng thẳng về hiện trạng của Cộng hòa Cyprus, ranh giới hàng hải và khả năng tiếp cận các mỏ khí đốt tự nhiên đã khiến nhiều quốc gia lo ngại, trong đó nhiều đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác chiến lược của Mỹ chống lại nhau.
Những tranh chấp phức tạp và liên quan này không chỉ tạo ra một tình thế nguy hiểm trên biển, mà còn đe dọa làm tồi tệ hơn tình hình vốn đã phức tạp tại Libya, nơi cuộc nội chiến tiếp tục diễn ra và kéo theo một số quốc gia, bao gồm cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, tiến gần tới nguy cơ đụng độ trong những tháng gần đây.
Nếu Mỹ có thể đơn giản kết thúc "cuộc chiến tranh bất tận" và rời khỏi Trung Đông, điều đó sẽ là may mắn. Sẽ có những lợi ích khi rời khỏi khu vực, nhưng cũng sẽ có nhiều điều quan trọng hơn cả phí tổn. Washington sa lầy ở Trung Đông vì họ không nhìn thấy điều gì thực sự quan trọng trong khu vực.
Hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này là thời đại mà hầu hết mọi thứ được đánh giá trên phương diện lợi ích của Mỹ. Mục tiêu bây giờ là làm rõ thứ gì ở Trung Đông là quan trọng và phù hợp với nguồn lực quốc gia của Mỹ./.