Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, Trung Quốc có thể sử dụng các tổ chức khu vực để bày tỏ thiện chí với Mỹ, tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho cuộc gặp các nhà lãnh đạo Trung-Mỹ có thể diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6/2019.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm Kyrgyzstan và Tajikistan trong tuần này và tham dự hai hội nghị của các tổ chức khu vực, nhằm tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách giữa Trung Quốc với các nước Trung Á, cũng như Nga và Ấn Độ, trong bối cảnh Mỹ tiến hành chiến tranh thuế quan với nhiều nước.
Giới học giả Trung Quốc cho rằng không phải vì chịu sự kiềm chế của Mỹ mà Trung Quốc mới cam kết củng cố quan hệ hợp tác với các nước như Trung Á. Cũng không phải vì “phía Tây không xán lạn, chỉ sáng ở phía Đông,” mà vì Trung Á vốn có lợi ích quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác như cung ứng tài nguyên, chống khủng bố và Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuần trước, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Nga và đang thăm Trung Á. Ông có chuyến thăm cấp nhà nước tới Kyrgyzstan và Tajikistan từ ngày 12-16/6, đồng thời tham dự Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2019 tại Bishkek, (Kyrgyzstan), cũng như tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ năm tại Dushanbe (Tajikistan).
Các quốc gia thành viên SCO bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan và Ấn Độ.
Các thành viên của CICA bao gồm các thành viên của SCO, và 26 quốc gia khác trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Thái Lan.
[Tổng thống Mỹ Trump hối thúc Trung Quốc thay đổi lập trường]
Thượng đỉnh CICA được tổ chức 4 năm một lần và là một tổ chức đa phương khu vực lỏng lẻo hơn SCO.
Đề cập đến chuyến đi của ông Tập Cận Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy ngày 10/6 cho biết, trước những thay đổi của tình hình quốc tế, quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Á bao gồm Kyrgyzstan và Tajikistan đã tiếp tục phát triển một cách ổn định và lành mạnh. Trung Quốc-Kyrgyzstan và Trung Quốc-Tajikistan là láng giềng, đối tác tốt và những người bạn tốt thực sự, quan hệ song phương đang trong giai đoạn tốt nhất của lịch sử và đứng trước triển vọng phát triển rộng lớn.
Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến thăm Trung Á trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ kiềm chế, dễ cho người ta thấy là ông đang tìm kiếm “đối tác nhỏ để liên kết.”
Ví dụ, Nga - nước cũng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, hoặc Ấn Độ- nước có thể phải đối mặt với việc tăng thuế của Mỹ, cùng lên tiếng chỉ trích Mỹ. Nhưng giới phân tích cho rằng thực tế không phải vậy.
Trữ Ân- nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa- cho rằng lịch trình của chuyến thăm cấp cao và các hội nghị đa phương như vậy được hoàn tất rất sớm, khi xác định lịch trình không thể dự đoán được diễn biến quan hệ Trung-Mỹ đến thời điểm hiện tại.
Ông dự đoán Trung Quốc khó có thể sử dụng nền tảng của các tổ chức khu vực để tập hợp tiếng nói của tất cả các quốc gia để tấn công Mỹ, thay vào đó, nhiều khả năng họ sẽ sử dụng các nền tảng của bên thứ ba này để đưa ra thiện chí với Mỹ nhằm tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho cuộc gặp các nhà lãnh đạo Trung-Mỹ có thể diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka.
Chuyên gia Trữ Ân cho rằng tầm quan trọng của Trung Á đối với Trung Quốc không phụ thuộc vào quan hệ Trung-Mỹ hay Trung-Nga mà dựa trên những lợi ích chung thiết thực của Trung Quốc và Trung Á.
Ví dụ, các quốc gia Trung Á cần điểm đến ngoài Nga để có thể xuất khẩu các tài nguyên như dầu khí, khoáng sản, nông sản và Trung Quốc cùng với việc nội nhu dần dần được giải phóng mà có nhu cầu lớn về tài nguyên như năng lượng sạch, hai bên có sự bổ sung cho nhau rất cao về kinh tế và thương mại.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy khẳng định chống khủng bố cũng là một lĩnh vực khác mà Trung Quốc và Trung Á có thể hợp tác.
Ông kêu gọi “một số thế lực chống Trung Quốc trên thế giới” hãy ngừng bôi nhọ Trung Quốc và ngừng đồn thổi những tin đồn không tốt về Trung Quốc, “bởi đó là hành động xấu xa”./.