Vì sao tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong khi Fed giảm lãi suất?

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tỷ giá tăng là do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra căng thẳng vì cả hai bên đều tỏ ra cứng rắn.
Vì sao tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong khi Fed giảm lãi suất? ảnh 1Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: CTV)

Sáng nay (5/8), tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố  ở mức 23.100 VND/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần trước, kéo theo tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng từ 30-50 đồng/USD. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Điều này đang trái ngược với thế giới khi mà đồng bạc xanh tiếp tục đà giảm thì tỷ giá USD trong nước lại bật tăng.

[Tổng thống Mỹ bảo vệ chính sách thương mại đối với Trung Quốc]

Với biên độ cho phép là +/-3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.793 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.407 VND/USD.

Ngay đầu giờ sáng, ngân hàng Vietcombank và BIDV niêm yết đồng USD từ 23.210-23.330 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng mạnh tới 50 đồng/USD so với cuối tuần trước.

VietinBank cũng tăng tương tự tới 46 đồng/USD, hiện ngân hàng này niêm yết đồng USD từ 23.209-23.329 đồng/USD (mua vào/bán ra).

Agribank tăng nhẹ hơn khoảng 20 đồng/USD, hiện ngân hàng này giao dịch quanh mức 23.185 - 23.290 đồng/USD.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ giá cũng tăng mạnh không kém. ACB hiện niêm yết ở mức 23.200-23.320 đồng/USD, tăng 50 đồng so với cuối tuần trước.

Ngân hàng Eximbank công bố giá USD từ 23.200-23.310 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD;  Techcombank tăng 5 đồng chiều mua vào và 30 đồng chiều bán ra, lên mức 23.145-23.310 đồng/USD.

Bình luận về hiện tượng này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tỷ giá tăng là do ảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra căng thẳng vì cả hai bên đều tỏ ra cứng rắn.

Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố từ ngày 1/9 tới, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung khoảng 10% đối với số hàng hóa còn lại, trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc gần như tất cả số hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu bị đánh thuế và đánh dấu một sự kết thúc đối với giai đoạn đình chiến tạm thời trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh áp thuế này. Trước đó, ngày 10/5 đã áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25%, đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Chính vì vậy, ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ nếu Washington thúc đẩy kế hoạch áp mức thuế mới, Bắc Kinh sẽ áp dụng "các biện pháp trả đũa cần thiết" để bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi cũng như các lợi ích cơ bản của người dân.

Vì sao tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong khi Fed giảm lãi suất? ảnh 2

Ông Hiếu phân tích, giữ đúng "lời hứa trả đũa", ngày 5/8 Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) lên mức 7,01037 NDT/USD, đây được các chuyên gia kinh tế cho là mức cao chưa từng có vì trước đó, tỷ giá chỉ lình xình ở mức  6,8 - 6,9 NDT/USD. Đây là hiện tượng rất quan trọng vì trong cuộc chiến trang thương mại Trung-Mỹ, Trung Quốc đã phá giá đồng NDT để bù trừ cho việc thiệt hại thuế nhập khẩu mà Mỹ đang áp đặt lên Trung Quốc.

Cũng theo ông Hiếu, việc phá giá này cũng ảnh hưởng tới Việt Nam, hiện các ngân hàng niêm yết tỷ giá khoảng 23.330 đồng/USD, đây cũng được cho là mức cao nhất từ trước đến nay. Việc tiền VND tăng so với USD là do bị ảnh hưởng bởi đồng NDT phá giá mạnh, Việt Nam cũng phải phá giá theo vì nếu để tiền đồng lên giá so với NDT thì sẽ bất lợi, hàng Trung Quốc sẽ ào ạt vào Việt Nam.

"Tôi nghĩ nó có tương quan, trong tình huống như thế này, Trung Quốc đang để đồng NDT mất giá so với USD. Về phía Việt Nam, hiện tại đang theo xu hướng giảm giá trị tiền đồng so với USD. Tôi không bàn luận về việc thuần túy cung-cầu trên thị trường hay có việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng rõ ràng xu hướng biến động của tiền đồng đối với USD cũng theo cùng xu hướng biến động của đồng NDT so với USD," ông Hiếu phân tích.

Bất cứ biến động nào trên thị trường ngoại hối cũng sẽ có hai mặt. Thứ nhất, VND mất giá so với USD thì hàng Việt Nam vào Mỹ sẽ có nhiều lợi thế vì giá rẻ hơn. Tuy nhiên, lại bất lợi cho hàng hóa nhập khẩu do phải thanh toán bằng ngoại tệ, với tỷ giá tăng như hiện nay thì giá trị hàng nhập khẩu sẽ lớn hơn, có thể ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tới lạm phát, nợ công.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm: "Đây cũng là điều bất thường hoặc nói cách khác là nghịch lý, đáng ra khi Fed hạ lãi suất 0,25% thì  giá trị của đồng USD thấp xuống, tỷ giá của Việt Nam sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhưng hôm nay lại bật lên cao nên tôi nghĩ nó tương quan với đồng NDT tệ nhiều hơn."

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà  nước cũng cho biết, trong những tháng đầu năm cơ quan này tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Các chuyên gia phân tích của BVSC nhận định, với nguồn dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục thặng dư, chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ và chuyển dần sang mua bán ngoại tệ là những nhân tố giúp tỷ giá chưa gặp quá nhiều rủi ro trong thời gian còn lại của năm 2019.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh hiện nay, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung còn diễn biến phức tạp và tỷ giá có thể sẽ tăng tiếp. Ngân hàng Nhà nước nên linh động hơn nữa, tiếp tục sử dụng hai công cụ là chính sách tỷ giá trung tâm và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào để ổn định tỷ giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.