Vì sao việc Temu tham gia chống bán hàng giả lại khiến châu Âu lo ngại?

Temu đang cân nhắc tham gia một nhóm nền tảng thương mại điện tử và thương hiệu hợp tác để ngăn chặn việc bán hàng giả trên không gian mạng tại châu Âu.
Hàng hóa được mua từ ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu. (Nguồn: Eulerpool)

Một nguồn tin trong ngành thương mại điện tử thế giới đã bày tỏ quan ngại việc nhà bán lẻ trực tuyến Temu của Trung Quốc tham gia một nhóm chống bán hàng giả trên không gian mạng tại châu Âu, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhóm này.

Temu đang cân nhắc tham gia một nhóm nền tảng thương mại điện tử và thương hiệu hợp tác để ngăn chặn việc bán hàng giả trên không gian mạng tại châu Âu.

“Bản ghi nhớ (MoU) về việc chống bán hàng giả trên Internet” là một thỏa thuận tự nguyện do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất và các bên tham gia ký kết bao gồm các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon, Alibaba và eBay, cùng các thương hiệu như Adidas, Nike, Hermes và Moncler.

Theo kế hoạch, Temu sẽ có bài trình bày vào ngày 11/11 tới trong cuộc họp các thành viên của nhóm chống bán hàng giả trực tuyến do Ủy ban châu Âu thúc đẩy, với tư cách là "thành viên tiềm năng mới."

Thông tin về việc Temu muốn tham gia vào mạng lưới chống hàng giả diễn ra khi các cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu (EU) gia tăng áp lực lên Temu để cải thiện các biện pháp kiểm soát đối với các sản phẩm được bán cho người mua sắm châu Âu trên thị trường của mình và đảm bảo các mặt hàng bất hợp pháp hoặc không an toàn không được đưa vào khối.

EU đã mở cuộc điều tra để xem liệu công ty này có hành động đủ mạnh nhằm chống lại việc bán các sản phẩm bất hợp pháp trên trang web của mình hay không.

Ủy ban châu Âu cho biết họ nghi ngờ công ty đang vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số mới của mình, một đạo luật nhằm xóa bỏ nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch trực tuyến. Nếu bị phát hiện vi phạm, Temu có thể phải chịu khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm.

Temu, công ty con của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings, đã phát triển nhanh chóng ở châu Âu và Mỹ thông qua hoạt động tiếp thị tích cực, thu hút hàng triệu người dùng vào trang web và ứng dụng của mình với khẩu hiệu "mua sắm như một tỷ phú," cung cấp mức giá cực thấp cho mọi sản phẩm, từ đồ dùng nhà bếp và đồ điện tử đến quần áo và phụ kiện.

Nhiều loại quần áo, giày dép và túi xách được bán trên trang web được thiết kế trông giống với các sản phẩm có thương hiệu phổ biến, với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục