Bộ Công thương đang theo dõi, đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu

Bộ Công thương giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động từ sàn Temu, khi hàng hóa bán trên sàn này có giá rất rẻ và chưa thể đánh giá được có phải là hàng thật hay không.

Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử giá rẻ từ Trung Quốc, nổi bật là Temu đã gây ra một cơn sốt trong thị trường Việt Nam. (Nguồn: Getty Images)
Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử giá rẻ từ Trung Quốc, nổi bật là Temu đã gây ra một cơn sốt trong thị trường Việt Nam. (Nguồn: Getty Images)

Gần đây, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử giá rẻ từ Trung Quốc, nổi bật là Temu đã gây ra một cơn sốt trong thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc, cẩn trọng khi mua hàng giá rẻ, siêu rẻ trên sàn thương mại điện tử Temu vì chưa được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp.

Hiện tại, Bộ Công thương đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc, khi hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử này có giá rất rẻ và chưa thể đánh giá được có phải là hàng thật hay không.

Anh Phan Huy Tuấn (Hoàng Mai-Hà Nội) cho biết khi xem quảng cáo trên mạng xã hội và nhấp vào xem thử. Sau đó trang thương mại này mời tham gia vòng quay may mắn để thể hiện mức độ khuyến mãi, cao nhất là 80% và hướng dẫn vào ứng dụng mua sắm Temu. Đặc biệt, với liên kết hướng dẫn tạo tài khoản để trải nghiệm mua sắm với ưu đãi lớn, không ngờ giá lại rẻ đến vậy. Đơn cử, một bộ cây lau nhà 5 miếng vải thay thế có giá 450.000 đồng nhưng tại app Temu sản phẩm này đang được bán với giá 85.000 đồng/ sản phẩm.

Nhận định về vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết trang thương mại điện tử Temu chưa công bố chính thức vào Việt Nam nhưng người dùng Việt Nam vẫn có thể vào các cửa hàng trên điện thoại, tải app và mua hàng. Hiện tại, Cục chưa có đánh giá cụ thể về vấn đề này bởi Temu mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam. Thế nhưng, trước việc giá hàng hóa, sản phẩm quá rẻ có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước, Cục sẽ theo dõi và tổng hợp thông tin.

Số liệu thống kê cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25% một năm.

Hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD. Điều này thể hiện Việt Nam đang trở thành quốc gia tiềm năng với các nhà đầu tư, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc), nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.

Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá sản phẩm rất rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian.

Theo các chuyên gia, với lợi thế về các chính sách trợ giá, thuế nhập khẩu (theo quy định hiện nay của Chính phủ, hàng nhập khẩu vào Việt Nam nhưng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu) vận chuyển, cùng hệ thống vận chuyển logistics chuyên nghiệp, hiện đại, dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc về giá, chi phí vận chuyển là khá lớn.

Thời gian qua, Trung Quốc gia tăng xuất khẩu qua biên giới bằng nền tảng số và thương mại điện tử, trong đó có Tiktok shop, Shopee, Lazada… Doanh nghiệp Trung Quốc lập các kho hàng ở khu vực biên giới, hoặc có kho hàng ngay tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt ngày càng phải ứng phó với các thách thức cạnh tranh.

Do đó, những nhà bán hàng Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì nhãn mác theo quy định của phía bạn; liên doanh liên kết tạo sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt, chú trọng thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang thương mại điện tử.

Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kho bãi, giao thông và phương tiện vận chuyển, đưa công nghệ quản lý mới, tiên tiến vào ứng dụng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Sàn Temu đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử, trong khi Indonesia tìm cách ngăn chặn nền tảng này, hay một số quốc gia bày tỏ quan ngại, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

“Bộ Công Thương đang triển khai đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát đến vấn đề này,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.

Nói về giá thành các sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Temu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ: “Tôi cũng giật mình khi thấy giá bán hàng hoá của họ rẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể. Và chưa thể khẳng định mức giá đó là thật hay không. Trước hết vẫn phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường.” Đồng thời, Thứ trưởng cho biết sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.

Temu.jpg
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu. (Nguồn: Fortune)

Trước những lo ngại về sức ép hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thông qua con đường thương mại điện tử, cũng như các kênh truyền thống có thể đe dọa nền sản xuất trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng hàng hóa nói chung khi vào Việt Nam đều phải có đánh giá tác động để có phương án bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Riêng kênh thương mại điện tử hiện đang nổi lên, có ưu thế hơn, cần phải có giải pháp đặc thù hơn xử lý.

Hiện tại, hàng hóa trên thương mại điện tử có giá rất thấp, ít tiền nhưng cùng với mức giá, các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trên cùng một phân khúc. Từ đó, xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cần bình tĩnh trước thực trạng trên để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.

“Khi đó sẽ tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....