Việt Nam trở thành nước đi đầu trong xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu

Việt Nam đã vượt qua Mexico trở thành nước dẫn đầu trong xu hướng “nearshoring” (các công ty chuyển hoạt động sản xuất, dịch vụ và hậu cần từ một quốc gia xa sang các quốc gia lân cận).

Một gian hàng triển lãm tại Trung tâm thương mại Thế giới, thành phố mới Bình Dương, tháng 5/2024. (Ảnh: TTXVN phát)
Một gian hàng triển lãm tại Trung tâm thương mại Thế giới, thành phố mới Bình Dương, tháng 5/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Trang riotimesonline.com (Brazil) ngày 17/11 có bài viết về tình hình sản xuất toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, trích dẫn dữ liệu mới đây từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính hàng đầu thế giới S&P Global Market Intelligence (Mỹ), trong đó cho biết Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu để các công ty dịch chuyển sản xuất và sự dịch chuyển này nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence (Mỹ), Việt Nam đã vượt qua Mexico trở thành nước dẫn đầu trong xu hướng “nearshoring” (các công ty chuyển hoạt động sản xuất, dịch vụ và hậu cần từ một quốc gia xa sang các quốc gia lân cận).

Minh chứng là tập đoàn Samsung đã đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất đồ điện tử tại Việt Nam. Tập đoàn Nike và Adidas cũng dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Intel cũng thiết lập sự hiện diện quy mô lớn với một nhà máy sản xuất chip tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 35% các công ty Việt Nam ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất đa quốc gia tăng trong năm vừa qua. Điều này khác với Mexico khi chỉ có 15% số công ty ở nước này ghi nhận mức tăng tương tự.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 5/2024 cho thấy Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp quốc tế.

Bài viết cũng chỉ ra Việt Nam có một số lợi thế như vị trí địa lý như dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn ở châu Á; chi phí lao động vẫn có tính cạnh tranh cao, do đó thu hút các công ty muốn tối ưu hóa chi phí. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài.

Theo bài viết, lực lượng lao động của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện thành công này, là nhân tố quan trọng để các công ty cân nhắc dịch chuyển địa điểm sản xuất.

Việt Nam đứng thứ 9 trong số 60 quốc gia trong Tổng chỉ số nguồn nhân lực của ManpowerGroup (Mỹ) - cho thấy Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động đáng tin cậy và có tay nghề cao.

Mexico cũng được hưởng lợi từ xu hướng “nearshoring,” nhưng ghi nhận sự tăng trưởng chậm hơn. Một số công ty ghi nhận doanh số bán hàng tăng nhờ xu hướng “nearshoring,” nhưng tác động chung không rõ rệt như ở Việt Nam.

Các nhà sản xuất Mexico vẫn lạc quan về các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Cơ hội để các quốc gia tận dụng xu hướng này là có hạn. Các chuyên gia ước tính thời gian chuyển dịch đầu tư là từ 10-12 năm.

Khung thời gian này làm gia tăng cạnh tranh giữa các trung tâm sản xuất mới nổi. Các nước phải khẩn trương hành động để thu hút và giữ chân những khoản đầu tư này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....