Là một sản phẩm thải ra chủ yếu từ ngành chăn nuôi gia súc và phân bón cho cây trồng, Amoniac (NH3) đã được phát hiện ở phần trên của tầng đối lưu của khu vực Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là hai khu vực có dân số và kinh tế đang tăng vọt trong những năm gần đây.
Tầng đối lưu có độ cao từ 7-20km tính từ mặt nước biển, chiếm khoảng 80% tổng khối lượng của khí quyển. Đây là nơi mà hầu hết các hiện tượng thời tiết trên Trái Đất xảy ra.
Vì những dấu vết của Amoniac được tìm thấy trong tầng đối lưu của khu vực Châu Á gió mùa nên người ta nghi ngại rằng chính những khí thải trong nông nghiệp đã hình thành nên các Sol khí (Aerosol) trên tầng đối lưu.
Sol khí (Aerosol, sương mù ô nhiễm) – bao gồm những hạt vật chất siêu nhỏ được bao phủ bởi những giọt chất lỏng trong không khí thường tụ thành dạng như những đám mây mưa.
Khi những hạt vật chất siêu nhỏ dưới dạng sol khí tích tụ lại thành dạng các đám mây thì đồng thời chúng cũng làm thay đổi tính chất của những đám mây xung quanh.
Khi amoniac thải ra từ nông nghiệp đạt đến nồng độ ô nhiễm cao thì không chỉ một bộ phận sinh thái của khu vực đó chịu ảnh hưởng mà đồng thời cấu tạo, tính chất của hệ thống mây nằm ở tầng khí quyển bên trên cũng sẽ thay đổi theo./.