[Videographics] Hoạt động của núi lửa - kỳ thú và nguy hiểm

Bên dưới lòng đất, các mảng kiến tạo va chạm vào nhau sinh ra áp suất và nhiệt độ, ép nham thạch trào lên qua các kẽ nứt rồi nổ tung trên bề mặt - đó chính là một vụ núi lửa phun trào.

Hầu hết các ngọn núi lửa trên thế giới nằm xung quanh Vành đai lửa Thái Bình Dương, một điểm gặp gỡ của các mảng kiến tạo và cũng là một khu vực có hoạt động địa chất mạnh mẽ.

Các mảng kiến tạo là những lớp đá khổng lồ tạo thành bề mặt Trái Đất. Thường xuyên di chuyển trên một nền thạch nóng, núi lửa hình thành theo hai cách tại ranh giới của các mảng này.

Trước tiên, các mảng va chạm với nhau, khiến mảng này trượt xuống bên dưới mảng kia. Đây được gọi là một ranh giới phá hủy.

Áp suất và nhiệt độ sinh ra do sự di chuyển này ép nham thạch dâng lên qua các kẽ nứt của mảng kiến tạo, cho tới khi nó nổ tung trên bề mặt, bắn dung nham ra khắp nơi và tạo ra một vụ núi lửa phun trào.

Cột tro bụi phun lên từ núi lửa Sakurajima tại Kagoshima, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đá nóng chảy, các mảnh vụn đất đá và các loại khí từ trong lòng Trái Đất bị đẩy ra, từ miệng chính của núi lửa hoặc từ các miệng phun thứ cấp.

Ngoài ra, các mảng kiến tạo cũng có thể di chuyển tách xa khỏi nhau. Trong trường hợp này, nham thạch dâng lên để lấp đầy khoảng trống, tạo ra một lớp vỏ mới. Khi hiện tượng này xảy ra dưới biển, các đảo núi lửa sẽ được hình thành.

Hoạt động núi lửa cũng có thể xảy ra bên dưới các mảng kiến tạo, ở những khu vực gọi là các điểm nóng. Nham thạch sẽ gây nóng chảy các lớp đất đá của mảng kiến tạo ở gần nó và dần đi lên bề mặt.

Dòng dung nham phun trào từ núi lửa Kilauea, Hawaii, Mỹ ngày 19/5. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Xét theo hoạt động, núi lửa được phân ra thành các loại gồm núi lửa đã tắt (khi chúng không phun trào suốt hàng chục nghìn năm); núi lửa đang ngủ yên (khi chúng tạm thời không hoạt động); núi lửa đang hoạt động (khi chúng thường xuyên phun khí hoặc dung nham).

Ngày 19/4/2018, núi lửa Mount Io ngủ yên 250 năm qua ở miền Nam Nhật Bản đột nhiên "thức giấc" khi phun hơi nước và tro bụi cao hàng trăm mét.

Núi lửa Mount Io phun tro bụi ngày 19/4. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), đây là lần đầu tiên lúi lửa Mount Io phun trào kể từ năm 1768. JMA cảnh báo những hòn đá lớn có thể bay xa trong bán kính 3km. Cột khói và tro bụi sẽ cao khoảng 400m.

Cận cảnh nham thạch trào ra khỏi miệng núi lửa ở Hawaii

Ngày 3/6 vừa qua, núi lửa Fuego cao 3.763 mét - một trong những núi lửa còn hoạt động ở Guatemala - bắt đầu phun trào với các vụ nổ nhỏ kèm nham thạch và cột tro cao 4.500m.

Đây là vụ phun trào dữ dội nhất của núi lửa nằm cách thủ đô Guatemala City 45km về phía Tây Nam này trong 4 thập kỷ qua.

Núi lửa Fuego tại Alotenango, Sacatepequez, Guatemala phun trào ngày 3/6. (Nguồn: EFE/TTXVN)

Đợt thiên tai đã ảnh hưởng tới cuộc sống của 1,7 triệu người, hơn 12.000 người phải đi sơ tán và 3.300 người bị mất nhà.

Một tháng sau khi núi lửa Fuego phun trào, Cơ quan Phòng chống thiên tai Guatemala (CONRED) cho biết ít nhất 113 người đã thiệt mạng và 197 người mất tích trong đợt thiên tai này.

Guatemal có tới 34 ngọn núi lửa trên khắp lãnh thổ.Trong khi đó, có những ngọn núi lửa đã ngủ yên khác lại trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Mới đây, ngày 2/7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận dãy núi lửa Puys, vùng Auvergne-Rhône-Alpes miền Trung nước Pháp, là Di sản thiên nhiên thế giới.

Dãy núi bao gồm 80 ngọn núi lửa "đang ngủ" từ hơn 8.000 năm nay và các nhà khoa học không loại trừ khả năng chúng sẽ "thức giấc." Cao nhất là đỉnh Dome 1.465m.

Đây là Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên trên lãnh thổ lục địa Pháp được UNESCO công nhận.

Dãy núi lửa Puys tại Clermont-Ferrand, Pháp. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Cảnh tượng kỳ vĩ của dãy núi lửa Puys - Di sản thiên nhiên thế giới. (Nguồn: radioscoop.com)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục