Việc đổi mới cách thức chất vấn mang lại kết quả tích cực

Trong ba ngày 4-6/6, Quốc hội đã chất vấn các nội dung liên quan đến 4 lĩnh vực: giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, lao động-thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong ba ngày 4-6/6, Quốc hội đã chất vấn các nội dung liên quan đến 4 lĩnh vực: giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, lao động-thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo.

Các Bộ trưởng: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham gia giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời các câu hỏi liên quan đến giải pháp hoàn thiệt kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông, đầu tư theo hình thức BOT. Vấn đề xử lý các dự án BOT là nội dung "nóng" được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Tham gia giải trình thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm rõ nội dung liên quan đến vấn đề có hay không ở địa phương chỉ có một số doanh nghiệp thắng thầu các công trình giao thông.

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ thực trạng hệ thống kết cấu giao thông, quy hoạch giao thông; triển khai giải pháp đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cần triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT; rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã "đăng đàn" trả lời nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các hoanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giải trình, làm rõ thêm một số nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác quản lý đất đai, đặc biệt ở khu vực đô thị, các khu vực phát triển kinh tế, khu vực ven biển; về ứng phó biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước, vì vậy, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai; tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Bộ cần làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em

Người thứ ba "đăng đàn" trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Theo đó, Bộ trưởng đã tập trung giải đáp các nội dung liên quan đến thực trạng thị trường lao động ở nước ta, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm viêc theo hợp đồng; hoạt động dạy nghề của doanh nghiệp; dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.

Đặc biệt, nội dung liên quan đến bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em là chủ đề làm "nóng" nghị trường với nhiều ý kiến chất vấn, tranh luận của đại biểu cũng như sự tham gia giải trình của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

[Đại biểu Quốc hội ấn tượng với phần trả lời của các Phó Thủ tướng]

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chính phủ, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan tiếp tục rà soát để hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng chất lượng, đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành để nâng cao năng suất lao động, gắn giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, việc làm bền vững.

Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; tích cực truyền thông, giáo dục gia đình, cộng đồng và trẻ em về các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; kịp thời phát hiện, thông báo, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đảm bảo số trẻ em bị xâm hại giảm qua các năm...

Đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời các đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Kết thúc phần chất vấn đối với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo, trong đó quan tâm đến chính sách đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học và đào tạo đội ngũ giáo viên gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, ngành cần rà soát, hoàn thiện chương trình giáo dục mầm non; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giáo dục, đào tạo; có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ, những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các hành vi phi đạo đức của giáo viên và học sinh.

Khắc phục hạn chế, yếu kém đối với từng lĩnh vực

Thực hiện phân công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Theo đó, Phó Thủ tướng đã làm rõ những nội dung liên quan đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng; việc xây dựng các đặc khu; vụ việc vỏ cà phê trộn pin; quản lý tiền ảo...

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Nhìn chung các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Việc đổi mới cách thức chất vấn hỏi ngắn-đáp gọn tại Kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội, cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri, nhân dân gửi đến các Kỳ họp; thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện; khắc phục những hạn chế, yếu kém được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các Kỳ họp sau.

Ngày mai (7/6), buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Chăn nuôi và dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục