Việc mở rộng NATO củng cố sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ?

Việc mở rộng NATO củng cố sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ ?

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các cân nhắc địa chính trị của một số quốc gia châu Âu đang thay đổi.
Thụy Điển, Phần Lan chính thức nộp đơn gia nhập NATO. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các cân nhắc địa chính trị của một số quốc gia châu Âu đang thay đổi.

Phần Lan và Thụy Điển đang đẩy nhanh quá trình thay đổi vị thế trung lập trước đây bằng cách cố gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

NATO là liên minh mang tính lịch sử gồm 30 quốc gia, đóng vai trò như một bức tường thành chống lại Liên Xô cho đến khi Liên Xô sụp đổ, và Điều 5 của hiệp ước thành lập liên minh này cam kết mỗi thành viên liên minh phải bảo vệ các thành viên khác trong trường hợp bị tấn công.

Do đó, quyết định về việc liệu NATO có mở rộng sang Phần Lan và Thụy Điển hay không cần phải cân nhắc vấn đề cơ bản: Việc Mỹ tự ràng buộc mình vào một cam kết tiến tới chiến tranh với một cường quốc hạt nhân vì sự toàn vẹn về cấu trúc của hai quốc gia này có nằm trong lợi ích của Mỹ hay không? Liệu người dân Mỹ có sẵn sàng gửi quân nhân để phục vụ cho một lợi ích an ninh quốc gia như vậy hay không?

Bất chấp khát vọng mang tính lịch sử, Nga đã đánh giá quá cao sức mạnh của mình ở Ukraine. Thay vào đó, những gì Nga trải qua ở Ukraine, trong bối cảnh một thảm họa nhân đạo, đã cho thấy những thiếu sót về vũ khí, nhân sự, tình báo và đào tạo về dài hạn, cũng như các vấn đề về cấu trúc như nạn tham nhũng tràn lan, các kế hoạch lỗi thời, bộ máy chính quyền độc đoán, và tinh thần chiến đấu quân đội thấp.

Nga cũng thiếu cơ sở kinh tế, sức mạnh vật chất và đang ngày càng quay cuồng trước các lệnh trừng phạt. Nói một cách đơn giản, Nga sẽ không phải là bóng ma bá chủ rình rập châu Âu bất cứ lúc nào trong tương lai gần.

Hệ quả kéo theo không phải là cuộc xung đột Ukraine là quân cờ domino đầu tiên trên toàn châu Âu, gây ra mối bận tâm về sự xâm lấn của Nga, mà thay vào đó, Nga là một mối đe dọa có thể kiểm soát được mà các quốc gia châu Âu nhìn chung ngày càng có thể tự đối trọng.

[Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO]

Quy trình kết nạp nhanh chóng Phần Lan và Thụy Điển vào NATO đang được tiến hành, theo yêu cầu của những quốc gia châu Âu đang lợi dụng tình hình và sự hiếu chiến để mở rộng hơn nữa một liên minh vốn đang phình to quá mức và lỏng lẻo.

Việc củng cố một thỏa thuận vốn đã hoạt động hiệu quả đối với các quốc gia châu Âu trong vài thập kỷ qua là một mong muốn có thể hiểu được, nhưng nó không đồng nghĩa với việc điều này sẽ tốt cho Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ nên bỏ qua các trào lưu phổ biến và khuyến khích các cuộc tranh luận công khai về sự hạn chế của các đường biên giới và cam kết liên tục thay đổi của NATO.

Phần Lan và Thụy Điển không thực sự đối mặt với nguy cơ xâm lược nào, và vị trí trung lập đã mang lại lợi ích cho các quốc gia này. Nga là một cái bóng của chính họ trước đây, với một nền quân sự tan nát và nền kinh tế bị tổn hại do lựa chọn một cuộc chiến tranh tiêu hao, và nhìn chung, châu Âu vượt trội hơn Nga về kinh tế.

Trên thực tế, Đức, Pháp và Anh kết hợp lại thừa khả năng cung cấp các lực lượng răn đe ở vùng Baltic và có chiếc ô hạt nhân của riêng họ. Việc kết nạp thêm Thụy Điển và Phần Lan có nghĩa là sẽ có thêm hai quốc gia được bảo hộ mà Mỹ sẽ bị ràng buộc theo hiệp ước để tiến tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Sự hiếu chiến, mong muốn trừng phạt Nga, cũng như sự đồng cảm với các giá trị dân chủ và nhân quyền không nên gây ảnh hưởng một cách lâu dài như vậy đến các tính toán chiến lược hẹp. Thay vào đó, sự thất bại của Nga ở Ukraine chứng tỏ rằng đã đến lúc Mỹ phải định hướng lại việc rời xa châu Âu và tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn như biên giới phía Nam, lạm phát và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Người Mỹ đã quen thuộc với những lời cảnh báo của George Washington về việc tránh xa “những ràng buộc đam mê” và đan xen số phận với bất kỳ khu vực nào của Châu Âu. Trật tự toàn cầu mới nổi khuyến khích mọi người chú ý đến một George khác.

Năm 1822, sau sự sụp đổ của nước Pháp thời Napoléon và dẫn đến thế giới đa cực mà trong đó Vương quốc Anh có ưu thế vượt trội và không phải đối mặt với mối đe dọa bá quyền lâu dài từ châu Âu, Ngoại trưởng bảo thủ của Anh, George Canning, đã đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo “không can thiệp và mọi quốc gia vì chính mình…”

Những nguyên tắc đó đã nhấn mạnh một chủ nghĩa hiện thực bảo thủ nhất định đã phục vụ tốt nước Anh trong hơn một thế kỷ. Mặc dù không phù hợp trong thế giới hậu hiện đại, nhưng bây giờ là lúc nước Mỹ nhìn lại sự khôn ngoan của một thời đại có đặc điểm tương tự như thời đại của chúng ta./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục