Chiều 3/7, Ủy ban Phòng chống Tham nhũng Malaysia (MACC) đã bắt giữ cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Ngay sau đó, trên mạng xã hội đã lan truyền một đoạn clip được cho là do ông Najib chuẩn bị từ trước. Trong đoạn clip dài 2 phút 20 giây, cựu Thủ tướng Malaysia khẳng định bản thân bị vu khống, bôi nhọ.
Trước đó, thông qua người phát ngôn, ông Najib cho rằng việc ông bị bắt giữ hoàn toàn xuất phát từ mục đích chính trị, là "hành động báo thù chính trị."
Người phát ngôn của ông Najib khẳng định cựu Thủ tướng sẽ chống lại các cáo buộc này và chứng minh sự trong sạch của bản thân trước tòa án.
Trong khi đó, Hãng Thông tấn Bernama dẫn nguồn tin từ tòa án cho biết ông Najib sẽ phải đối mặt với hơn 10 tội danh hình sự liên quan tới vụ bê bối xảy ra tại SRC International, một công ty dưới quyền quản lý của Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB).
Trước đó, có báo cáo nói rằng SRC International đã chuyển 42 triệu ringgit vào tài khoản của ông Najib. Thông tin trên cũng được hàng loạt tờ báo lớn ở Malaysia như Đông phương Nhật báo, Tinh châu Nhật báo... đăng tải.
Tờ Star cho biết thêm cựu Thủ tướng Malaysia sẽ bị buộc tội theo Luật Chống rửa tiền và Luật Hình sự. Tờ Malay Mail nhấn mạnh rằng ông Najib đã trở thành cựu Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Malaysia phải qua đêm tại nơi tạm giam.
Trên thực tế, việc ông Najib bị bắt giữ không chỉ thu hút sự quan tâm của báo giới Malaysia mà còn được rất nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin, trong đó nhấn mạnh tới thời điểm xảy ra vụ bắt giữ, đó là 64 ngày sau khi ông Najib thất bại trong việc dẫn dắt Mặt trận Quốc gia (BN) trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 ở Malaysia và để mất quyền thành lập chính phủ liên bang vào tay phe đối lập, cho dù bản thân bảo vệ thành công chiếc ghế Hạ nghị sỹ.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) giật tít “Najib Razak, lãnh đạo ngã ngựa ở Malaysia, bị bắt trong vụ tham nhũng tại 1MDB."
[Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak không nhận tội tham nhũng]
Theo tờ báo, ông Najib đã bóp nghẹt hoạt động điều tra liên quan tới vụ bê bối tại 1MDB sau khi nó bị vỡ lở vào 3 năm trước, nhưng đã không thể kiểm soát được vụ việc sau khi bị "đánh bật" khỏi Dinh Thủ tướng vì thất bại vào ngày 9/5 vừa qua.
Trong khi đó, chính phủ mới do Liên minh Hi vọng (PH) lãnh đạo lại háo hức đưa ra ánh sáng vụ bê bối tại quỹ đầu tư nhà nước này.
Tờ New York Times (Mỹ) cho biết thêm: “Đứng đầu bộ máy chính trị cai trị Malaysia từ khi giành độc lập vào năm 1957 (ám chỉ BN liên tục cầm quyền tại Malaysia từ năm 1957), ông Najib và các đồng minh đã sử dụng ảnh hưởng chính trị, tiền mặt và đàn áp truyền thông để cố gắng giữ các cáo buộc tham nhũng trong tầm kiểm soát trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào đầu tháng 5 vừa qua, các cử tri Malaysia đã thể hiện sự giận dữ của mình về vụ bê bối tham nhũng tại quỹ đầu tư nhà nước 1MDB qua lá phiếu, tạo nên chiến thắng cho phe đối lập và lật đổ ông Najib."
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) nhấn mạnh ông Najib sẽ phải “chiến đấu giành tự do sau khi bị bắt giữ vì liên quan tới cáo buộc tham nhũng tại 1MDB."
Tháng 1/2016, Tổng chưởng lý Malaysia khi đó là ông Mohamed Apandi Ali đã xóa sạch mọi sai trái của ông Najib liên quan tới công ty SRC International và tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy tiền của SRC International đã đổ vào tài khoản cá nhân của ông Najib.
Hãng tin ABC News của Australia đề cập tới các vụ lục soát tại tư dinh của ông Najib và phát hiện số tiền mặt, hàng hóa trị giá 370 triệu đôla Australia.
Theo ABC News, vụ bê bối tại 1MDB được điều tra tại ít nhất tại 6 quốc gia với cáo buộc rửa tiền và tham nhũng. Ngoài ra, vụ bắt giữ ông Najib còn trở thành chủ đề chính của các báo và hãng tin như The Jakarta Post (Indonesia), The Strait Times (Singapore), The Guardian, BBC (Anh), Al-jazeera (Qatar).
Tờ The Strait Times dẫn nguồn tin từ MACC cho biết ông Najib có thể bị đối mặt với 5 cáo buộc theo Luật Chống tham nhũng và Luật Hình sự./.