Viện trợ nhân đạo toàn cầu đã lên tới mức kỷ lục 24,5 tỷ USD trong năm 2014 nhờ việc tăng bổ sung gần 1 tỷ USD từ các nước Vùng Vịnh, song mức tăng 20% vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thảm họa và xung đột.
Đây là những số liệu mới nhất do nhóm chuyên gia độc lập Các Sáng kiến Phát triển (DI) công bố ngày 18/6.
Theo nhóm chuyên gia này, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Kuwait đã tăng gấp đôi mức đóng góp của họ cho các chiến dịch quyên góp của Liên hợp quốc, với mức 1,6 tỷ USD. Saudi Arabia được xem là nhà hảo tâm lớn nhất trong số những quốc gia nói trên với mức hỗ trợ nhân đạo tăng gấp 3 lần lên 755 triệu USD, trở thành một trong 10 nước tài trợ hàng đầu.
Cũng như viện trợ chính phủ, viện trợ nhân đạo bao gồm các khoản tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và các tài trợ tư nhân nhằm giải quyết nhu cầu của số người dân cần viện trợ ngày càng tăng, trong đó bao gồm những người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột ở Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, dù số tiền viện trợ đã tăng lên, DI cho biết các tổ chức nhân đạo vẫn đang phải vật lộn để giúp đỡ số lượng ngày càng nhiều người mất nhà cửa từ các khu vực chiến tranh ở Yemen, Syria và Iraq...
Bà Sophia Swithern - người đứng đầu chương trình Hỗ trợ nhân đạo toàn cầu tại DI, cho biết khoảng 2/3 mức viện trợ nhân đạo toàn cầu tiếp tục được chuyển đến những nước tiếp nhận dài hạn như Somalia và Pakistan. Bà Swithern kêu gọi cần tăng các nguồn lực từ các nhà tài trợ khác nhau, kết hợp với phân bổ hiệu quả hơn những nguồn quỹ này trong hoạt động tài trợ nhân đạo.
Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc, cho biết chỉ 1/4 số tiền kêu gọi quyên góp được đáp ứng, dẫn tới việc thiếu hụt khoảng 14 tỷ USD. Trong số 18,8 tỷ USD viện trợ nhân đạo cần thiết cho các điểm nóng khủng hoảng, chỉ quyên góp được 4,8 tỷ USD.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo Stephen O'Brien nhấn mạnh mặc dù các nhà tài trợ vẫn tỏ ra hào phóng trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo, nhưng khoảng cách giữa số tiền kêu gọi và số tiền thực tế nhận được ngày càng lớn.
Theo các chuyên gia, xung đột kéo dài, nghèo đói cùng cực và bất ổn chính trị khiến các mục tiêu viện trợ nhân đạo khó đáp ứng trong tương lai nếu thiếu các giải pháp bền vững thay thế. Ngoài sự hỗ trợ nhân đạo, các quốc gia gặp khó khăn cần huy động hiệu quả hơn các nguồn lực công và tư để đáp ứng các mục tiêu về phát triển./.