Viện trợ và mục đích chính trị của Trung Quốc tại châu Phi

Mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi hiện nay làm dấy lên các quan ngại về các khoản nợ ngày một tăng, trong khi sự hiện diện về văn hóa, kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở châu Phi ngày càng sâu hơn.
Viện trợ và mục đích chính trị của Trung Quốc tại châu Phi ảnh 1Ngoại trưởng Ethiopia Workneh Gebeyehu (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Addis Ababa, Ethiopia, ngày 3/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng qz.com ngày 10/6 có bài phân tích về mối quan hệ giữa mức tăng viện trợ của Trung Quốc đối với các nhà lãnh đạo châu Phi trong thời gian nắm quyền cho thấy dấu hiệu đầu cơ chính trị của cường quốc châu Á này tại lục địa Đen.

Viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi đã tăng nhanh trong 2 thập kỷ qua, đạt mức cao nhất, 15 tỷ USD vào năm 2018.

Thông qua các gói viện trợ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự hỗ trợ vô điều kiện và Bắc Kinh không “tìm kiếm lợi ích chính trị ích kỷ trong đầu tư và hợp tác tài chính.”

Tuy nhiên, bài nghiên cứu “Các nhà lãnh đạo châu Phi và sự phân bổ viện trợ nước ngoài của Trung Quốc” được công bố cuối tháng 4 vừa qua trên Tạp chí Kinh tế phát triển cho thấy viện trợ nước ngoài của Trung Quốc đối với châu Phi được chứng minh là mang tính chính trị - ít nhất là ở cấp độ địa phương - theo các tiêu chí về lợi ích cục bộ và quyền lực bị kiểm soát bởi chủ nghĩa thân hữu.

Báo cáo khảo sát 1.650 dự án phát triển do Trung Quốc tài trợ được thực hiện từ năm 2000- 2012 ở 117 khu vực là nơi sinh của các nhà lãnh đạo châu Phi tại 49 quốc gia, bao gồm Kenya, Ghana, Ai Cập, Ethiopia, Nam Phi và Nigeria.

Tổng chi phí của các dự án này ước tính khoảng 83,3 tỷ USD.

[Giấc mơ châu Phi sẽ do Trung Quốc làm chủ đạo?]

Các nhà nghiên cứu phát hiện quê hương của các tổng thống châu Phi nhận được mức viện trợ cao gần 3 lần viện trợ từ Bắc Kinh trong những năm tại vị các nhà lãnh đạo này so với các thời gian khác.

Những nhà lãnh đạo đương nhiệm này cũng ưu tiên nhiều hơn trong phân bổ viện trợ cho sân sau trong năm ngay trước các cuộc bầu cử nhằm nâng cao cơ hội duy trì quyền lực của bản thân.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng ưu tiên phân phối viện trợ không chỉ ở “các quận nhà” mà còn ở “các tỉnh nhà” nhằm khuyến khích cử tri ủng hộ tại các khu vực thành trì của đảng cầm quyền.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trước khi nhậm chức và sau khi kết thúc nhiệm kỳ, viện trợ của Trung Quốc tại quê hương của các nhà lãnh đạo châu Phi không có sự gia tăng, điều này cho thấy thời gian nắm quyền là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng viện trợ của Trung Quốc tại những địa phương là nơi sinh của các nhà lãnh đạo châu Phi.

Nghiên cứu cũng xem xét 533 dự án trị giá 43,4 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới (WB) giải ngân, tài trợ.

Các tác giả không ghi nhận sự đối xử ưu đãi về phân bổ dự án có liên quan đến nơi sinh của các nhà lãnh đạo châu Phi, bởi WB xét duyệt dự án và giải ngân dựa trên phân tích và thẩm định lợi ích chi phí.

Dữ liệu làm sáng tỏ các gói viện trợ của Trung Quốc ở châu Phi được phân bổ “theo nhu cầu” và cách các nhà lãnh đạo châu lục có thể lạm dụng các khoản viện trợ này nhằm phục vụ lợi ích chính trị bản thân.

Trong khi các khoản viện trợ của phương Tây và Trung Quốc đều liên quan đến lợi ích của nhà tài trợ, Bắc Kinh thường không gắn viện trợ của nước này đối với yêu cầu cải thiện quản trị và trách nhiệm, tuân thủ các thông lệ quốc tế hoặc xử lý tham nhũng.

Mặc dù tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2018 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ không tài trợ cho “các dự án phù phiếm” và hợp tác Trung Quốc-châu Phi phải mang lại lợi ích hữu hình, nhưng Bắc Kinh thường phê duyệt viện trợ cho các quốc gia châu Phi miễn là những nước này ủng hộ chính sách của “Một Trung Quốc” vốn khẳng định Đài Loan là phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc đại lục.

Với chiến lược không can thiệp vào các chương trình nghị sự phát triển của các nước châu Phi và trao cho châu lục này “quyền sở hữu” lớn hơn, Bắc Kinh đã giành được sự ủng hộ lớn của đa số các nước châu Phi.

Những nước này đánh giá quan hệ đối tác “cùng thắng” Trung Quốc-châu Phi là con đường phát triển kinh tế thực sự của châu lục.

Năm 2018, Tổng thống Tanzania John Magufuli đã ca ngợi Trung Quốc bởi đối tác châu Á này đã cung cấp “viện trợ không ràng buộc với bất kỳ điều kiện nào,” ngay cả trong bối cảnh Tanzania phải đối mặt với việc cắt giảm viện trợ từ các nước châu Âu và WB do vấn đề nhân quyền.

Trong bài nghiên cứu “Các nhà lãnh đạo châu Phi và sự phân bổ viện trợ nước ngoài của Trung Quốc” tập trung đánh giá viện trợ nước ngoài của Trung Quốc cho châu Phi, nhóm tác giả cũng lưu ý đến vấn đề không kém phần quan trọng là trong thập kỷ qua, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thương mại song phương Trung Quốc-châu Phi đã làm lu mờ viện trợ của cường quốc châu Á này tại lục địa Đen.

Mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi hiện nay làm dấy lên các quan ngại về các khoản nợ của các nước châu Phi ngày một tăng, thâm hụt thương mại, chủ nghĩa thực dân mới và “ngoại giao bẫy nợ,” trong khi sự hiện diện về văn hóa, kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở châu Phi ngày càng sâu hơn.

Do Bắc Kinh không phải là thành viên của nhiều khuôn khổ đa phương toàn cầu như Câu lạc bộ Paris, các nhà quan sát đã đặt ra những nghi vấn về sự minh bạch, tính bền vững và tính khả thi thương mại của các dự án ở châu Phi được chính phủ Trung Quốc tài trợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.