Việt Nam-Australia xây đắp quan hệ ngày càng toàn diện, bình đẳng

Đại sứ Việt Nam tại Australia cho biết trong nửa thế kỷ tới, Việt Nam-Australia sẽ xây đắp quan hệ ngày càng toàn diện, bình đẳng, tin cậy và xây dựng, củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành. (Nguồn: Cơ quan thường trú TTXVN tại Sydney)

Năm 2023, Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973-26/2/2023).

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Australia về ý nghĩa sự kiện cũng như những thành tựu đã đạt được và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

- Thưa Đại sứ, quan hệ Việt Nam-Australia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thực chất trên mọi lĩnh vực. Đại sứ có thể điểm lại một số thành tựu nổi bật của mối quan hệ hợp tác trong 50 năm qua và đánh giá về triển vọng hợp tác trong tương lai?

Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Nhân dịp này, chúng ta cùng nhìn lại và ghi nhận những nỗ lực của Australia thiết lập ngay quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết.

Về chính trị, ông Bill Hayden là Ngoại trưởng phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam (năm 1983), đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (năm 1984). Australia cũng là nước phương Tây đầu tiên đón các lãnh đạo cấp cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gồm Chủ tịch Quốc hội (năm 1990), Thủ tướng (năm 1993) và Tổng Bí thư (năm 1995).

Dù khác biệt về thể chế chính trị, hai nước tôn trọng nhau và đã xây dựng quan hệ đối tác toàn diện (năm 2009), đối tác toàn diện tăng cường (năm 2015), hiện nay là đối tác chiến lược (từ năm 2018).

Như cựu Toàn quyền Peter Cosgove chia sẻ “Australia tự hào có một người bạn là Việt Nam." Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong khẳng định “Australia mong là một đối tác tốt hơn của Việt Nam."

Điều đáng trân trọng là suốt thời gian Mỹ bao vây, cấm vận Việt Nam thập niên 1980, Australia chủ động phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của bạn được triển khai ngay từ năm 1973, chỉ bị tạm dừng một thời gian. Australia tham gia hỗ trợ ta một số cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường dây 500kV Bắc-Nam, hai cây cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, hệ thống viễn thông và ngân hàng hiện đại,... Những năm gần đây, không ít nước phương Tây cắt giảm, song Australia vẫn giữ ODA, tài khóa 2022-2023 còn tăng 18%.

Về thương mại, hai nước trao cho nhau quy chế tối huệ quốc ngay từ năm 1974. Nhiều năm liên tục Australia là đối tác thương mại trong top 10 của Việt Nam, năm 2022 vươn lên thứ 7.

Đại sứ Nguyễn Tất Thành phát biểu chỉ đạo tại Đại hội của Hội sinh viên Việt Nam tại Australia (SVAU). (Ảnh: Nguyễn Minh/TTXVN)

Về giáo dục, học bổng được bắt đầu trao cho sinh viên Việt Nam từ tháng 2/1975. Đại học nước ngoài đầu tiên lập cơ sở tại Việt Nam là trường RMIT của Australia (năm 2000). Đáng trân quý là hai năm qua, Australia dành 26,4 triệu liều vaccine hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19.

Những thành quả tốt đẹp trên xuất phát từ thiện chí và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Nền móng của quan hệ tốt đẹp này là sự hiểu biết ngày càng sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Australia từ chỗ liên kết toàn diện với Anh, Mỹ nhiều thập kỷ, chuyển chính sách hướng sang châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Australia gắn bó ngày càng chặt chẽ với các nước Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á mà bạn đều coi là láng giềng. Trong khi đó, từ chỗ “muốn là bạn," rồi “sẵn sàng” kết bạn, nay Việt Nam đã “là bạn, là đối tác tin cậy” của Australia.

Tuy vậy, hợp tác hai nước khá dàn trải, một số lĩnh vực như giáo dục, thương mại phát triển nổi trội, trong khi một số lĩnh vực khác như văn hóa, giao lưu nhân dân chưa được như mong muốn. Nhận thức của doanh nghiệp về các cơ hội kinh doanh còn hạn chế, đầu tư quá thấp so với tiềm năng. Một số vấn đề do lịch sử để lại chưa được giải quyết thỏa đáng. Thời gian tới, hai bên sẽ bàn cách cùng khắc phục những tồn tại này.

- Xin Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo? Hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, năng lượng sạch?

Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Năm nay, Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đây là thời điểm ý nghĩa để chúng ta nhìn lại lịch sử, từ đó hướng tới một tầm nhìn chung cho 50 năm tới. Nửa thế kỷ qua, Australia giúp Việt Nam phá bao vây, cấm vận và khai phá các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi. Nửa thế kỷ tới, hai nước sẽ xây đắp quan hệ ngày càng toàn diện, bình đẳng, tin cậy và xây dựng, củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Việt Nam và Australia là hai nước láng giềng tại Tây Thái Bình Dương, chia sẻ lợi ích chiến lược về hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, khả năng công nghệ và tài chính.

Australia có kinh tế tri thức phát triển và nền giáo dục hàng đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Australia đứng thứ hai trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

[Australia coi trọng vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới]

Đặc biệt, Australia không chỉ coi trọng, lắng nghe mà còn rất thiện cảm với Việt Nam. Australia cũng đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN, với Việt Nam từng đồng hành trong các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Liên hợp quốc. Đây chính là những thuận lợi mà hai bên cần tranh thủ và phát huy trong những năm tới.

Có thể nói, hai nước có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để cùng chung sức vun đắp cho một mối quan hệ gắn kết hơn trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời cũng vì lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Dấu mốc 50 năm sẽ được ghi nhận với nhiều hoạt động trao đổi đoàn và giao lưu, kỷ niệm ở cả hai nước. Trên cơ sở rà soát Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023, hai bên đang phối hợp xây dựng văn kiện thay thế. Ba trụ cột hợp tác xác định trong kế hoạch này, gồm kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng và đổi mới-sáng tạo khả năng sẽ được tiếp tục vì còn nhiều dư địa.

Bên cạnh đó, hai bên đang cân nhắc một số trụ cột mới cho quan hệ toàn diện trong những năm tới. Các lĩnh vực đang nổi lên như biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, năng lượng sạch, kinh tế tri thức, chuyển đổi số… được kỳ vọng sẽ là những điểm nổi bật trong văn kiện mới này.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Về phần mình, Đại sứ quán dự kiến sẽ phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn ở các cấp và các kênh, gia tăng đối thoại chiến lược, triển khai các cơ chế hợp tác, lập thêm một số cơ chế mới. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối các cơ quan trung ương, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp với các đối tác Australia. Dự kiến sẽ có ít nhất 60 đoàn lãnh đạo Đảng, nhà nước và địa phương ta thăm Australia trong năm nay. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo nhà nước, chính phủ, nghị viện và các bang, vùng lãnh thổ Australia đều có kế hoạch thăm, đặc biệt Toàn quyền David Hurley dự kiến thăm Việt Nam trong quý 2/2023.

Nhìn lại thành tựu đã đạt được đến nay, chúng ta chưa thực sự hài lòng vì nhiều lợi thế, tiềm năng còn chưa được khai thác tối đa, một số bất cập chưa được khắc phục hiệu quả, đầu tư còn rất thấp so với tiềm năng. Vì vậy, chúng tôi coi hỗ trợ đầu tư hai chiều là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Để tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả hơn, Đại sứ quán dự kiến một số biện pháp mới, như xúc tiến quảng bá địa phương theo vùng kinh tế-xã hội thay vì theo từng tỉnh, thuê doanh nghiệp tư vấn chuyên nghiệp chuẩn bị tài liệu và trình bày tại sự kiện, tổ chức các đoàn doanh nghiệp Australia sang tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam, phối hợp cùng các nước ASEAN tổ chức xúc tiến đầu tư quy mô tại Australia,... Chúng tôi tin nếu được triển khai bài bản, các biện pháp này sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong những năm tới.

- Xin Đại sứ chia sẻ về kế hoạch của Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan hữu quan của nước sở tại tổ chức những hoạt động chào mừng sự kiện ý nghĩa trên?

Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Từ nửa cuối năm 2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã triển khai một số hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan trong nước cũng như Australia tổ chức thành công chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự kiện then chốt mở màn chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Chúng tôi cũng đã phối hợp tổ chức đêm thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại thủ đô Canberra và thành phố Melbourne, cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức cuộc thi thiết kế logo 50 năm quan hệ ngoại giao...

Đại sứ quán dự kiến sẽ phối hợp với các tổng lãnh sự quán của Việt Nam tại Sydney và Perth tổ chức lễ ra mắt Nhóm bạn Việt Nam, gồm một số chính trị gia, học giả, doanh nghiệp Australia có uy tín và gắn bó với Việt Nam. Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao và các tổ chức xã hội Australia triển khai nhiều hoạt động quảng bá Việt Nam và quan hệ hai nước, phối hợp in bộ tem 50 năm quan hệ ngoại giao, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các cuộc trưng bày, triển lãm tại sở tại, chuyển ngữ một số tác phẩm văn học, điện ảnh của hai nước và tổ chức các buổi chiêu đãi nhân sự kiện.

- Rất nhiều người kỳ vọng nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Australia, hai bên sẽ nâng cấp quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng này?

Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Nếu nhìn lại lịch sử kể cả từ trước năm 1973, khó có thể hình dung quan hệ hai nước có thể phát triển sâu rộng, toàn diện và sâu sắc như thời điểm hiện tại.

Việt Nam trân trọng và biết ơn Chính phủ và nhân dân Australia luôn ủng hộ, hỗ trợ hào hiệp đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta. Như đã đề cập ở trên, chúng ta vui mừng thấy hai nước đã gặt hái nhiều thành quả tích cực trên các lĩnh vực từ ngoại giao-chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại đến giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, giao lưu nhân dân... Song song với việc triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, hai nước cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động, chiến lược, ra nhiều tuyên bố chung, ký kết hàng trăm văn kiện, đạt những kết quả ấn tượng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Trong chuyến thăm Australia cuối tháng 11 đầu tháng 12/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố ý định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp. Tôi tin rằng các điều kiện “cần” và “đủ” đều đã cơ bản được đáp ứng, do đó hai bên hoàn toàn có thể tính đến khả năng nâng cấp quan hệ vào một ngày không xa, nếu đúng dịp kỷ niệm 50 năm sẽ có ý nghĩa thiết thực để hai nước cùng xây dựng tầm nhìn cho 50 năm tới.

- Đại sứ đánh giá ra sao về vai trò của cộng đồng người Việt trong việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết giữa nhân dân hai nước nói riêng cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia nói chung?

Đại sứ Nguyễn Tất Thành: Cộng đồng người Việt Nam ở Australia hiện khoảng 350.000 người, giữ vai trò cầu nối quan trọng, không thể thiếu trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Trong những năm qua, đóng góp của cộng đồng người Việt được ghi nhận rộng rãi trên nhiều lĩnh vực tại Australia. Qua các chuyến thăm và làm việc của Đại sứ quán cũng như các chuyến thăm lẫn nhau giữa hai nước, lãnh đạo liên bang và vùng lãnh thổ của Australia đều đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt đối với tăng cường hiểu biết, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Các cá nhân người Australia gốc Việt đang tham gia chính trường, giữ chức vụ quan trọng tại nghị viện, chính quyền liên bang và các bang ngày càng có tiếng nói ủng hộ quan hệ hữu nghị với Việt Nam, truyền tải thông điệp để chính giới và người dân Australia hiểu sâu sắc hơn về đất nước chúng ta. Nhiều trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học Việt kiều tại các cơ sở giáo dục, trung tâm nghiên cứu Australia ngày càng hướng về quê hương và thể hiện tinh thần gắn kết, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Giới doanh nghiệp Việt kiều đã đóng góp trí tuệ cho quê hương, không ít cá nhân quan tâm giúp các địa phương phát triển nông nghiệp, xuất khẩu hàng hóa và hợp tác lao động.... Đặc biệt phải kể đến các thế hệ lưu học sinh, sinh viên lớn mạnh, trưởng thành và nêu cao ý thức đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam-Australia. Nhiều cá nhân đã tham gia hoạt động cộng đồng, nâng cao hiểu biết của Australia về tình hình mọi mặt tại Việt Nam. Các cá nhân, hội đoàn người Việt tích cực tại Australia giữ vai trò hạt nhân, lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng cộng đồng ngày càng ổn định và phát triển, trở thành cầu nối vững chắc cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia cũng như gắn kết các thế hệ người Việt và giữa người dân Australia với Việt Nam.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục làm tốt nhất việc kết nối bà con với các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Việc thành lập Nhóm bạn Việt Nam, Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam Australia, Trung tâm Văn hóa Việt cũng như thống nhất các nhóm hội Việt kiều tại Australia sẽ là những sáng kiến tốt mà chúng tôi dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ nhiều hoạt động ý nghĩa của Viện Chính sách Australia Việt Nam, Trung tâm Việt Nam-Sydney, Diễn đàn lãnh đạo trẻ Australia-Việt Nam cũng như các chương trình liên kết, hợp tác giáo dục đa dạng để đẩy mạnh giao lưu nhân dân trong năm 2023.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục