Nhân dịp kết thúc Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) từ ngày 22-23/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị.
- Thứ trưởng có thể chia sẻ những nội dung nổi bật của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 và sự tham gia của Việt Nam?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều diễn biến mới, đa dạng, phong phú, cả về chính trị-an ninh, lẫn kinh tế, xã hội.
Cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang. Cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ, cùng với những thách thức toàn cầu như rác thải biển, ô nhiễm, biến đổi khí hậu.
Những diễn biến này vừa là cơ hội, cũng là thách thức với các nước.
Trong bối cảnh này, Chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững" do ASEAN lựa chọn cho năm 2019 theo đề xuất của Thái Lan là xác đáng, tạo tiền đề cho hợp tác vì sự bền vững của cả Hiệp hội, nói cách khác, đây là "vạn vật bền vững" như một ADN của ASEAN truyền lại các thế hệ sau.
Bên cạnh đó, tại hội nghị lần này, các nước ASEAN cũng trao đổi sâu những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược liên quan tới hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Cụ thể là các nước đã thông qua văn kiện "Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", có tầm quan trọng lớn, vừa khẳng định các nguyên tắc bất di bất dịch của ASEAN, vừa định ra các phương hướng cho ứng xử của ASEAN trong quan hệ với các đối tác.
Tôi cho rằng, với việc này, một lần nữa, vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực được khẳng định lại, làm rõ nét hơn.
Nói đến hợp tác ASEAN, không thể không nhắc đến hợp tác kinh tế.
Tại Hội nghị, các nước đã thảo luận nhiều biện pháp vĩ mô để nâng cao hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại nội khối, từ đó tăng cường tính tự cường của ASEAN.
Cụ thể, lãnh đạo các nước thống nhất sẽ thúc đẩy một ASEAN không rào cản (seamless ASEAN) thông qua tăng cường kết nối, kết nối tiểu vùng, triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN); thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa, dự báo vào năm 2025, kinh tế số sẽ mang lại thêm cho ASEAN khoảng 1.000 tỷ USD.
Một trong những nội dung khác, hết sức quan trọng được các nước thống nhất trong lĩnh vực này là tăng tính chủ động chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là về nguồn nhân lực; và sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...
Tại Hội nghị, các lãnh đạo cũng nhất trí sẽ thúc đẩy một ASEAN phát triển bền vững, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và nhất là không để “ai bị bỏ lại phía sau.”
Trên cơ sở này, các nước thống nhất sẽ tăng cường tính tương hỗ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 với Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 của Liên hiệp quốc; hợp tác giải quyết vấn nạn rác thải, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
Các nhà lãnh đạo đã khai trương Kho vệ tinh tại tỉnh Chainat (Thái Lan), hỗ trợ triển khai nhu yếu phẩm đến các vùng chịu thảm họa; chống khủng bố, ma túy; ứng phó với tình trạng cơ cấu dân số già hóa thông qua việc thành lập Trung tâm tuổi già năng động và sáng tạo ASEAN (ACAI)...
Các nước cũng quyết định chọn 2019 là Năm Văn hóa ASEAN, từ đó tăng cường giao lưu văn hóa và thúc đẩy bản sắc ASEAN.
Các nước cũng trao đổi sâu về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, bang Rakhine của Myanmar...
Các nhà lãnh đạo thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa đoàn kết ASEAN, đề cao đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Lễ khai mạc và các phiên họp trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN 34.
[Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 34]
Với tư cách Chủ tịch ASEAN kế tiếp, Thủ tướng phát biểu nêu cao đoàn kết, thống nhất ASEAN, đề nghị đẩy mạnh liên kết kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư nội khối, duy trì hệ thống thương mại đa phương công bằng, mở và dựa trên luật lệ, thích ứng hiệu quả với cách mạng 4.0…
Trong quan hệ giữa các thành viên, Thủ tướng đề nghị cần có bản lĩnh vững vàng, chân thành, thẳng thắn.
Thủ tướng nhấn mạnh tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, nhưng không nên làm phương hại đến tình cảm, lợi ích của nhau.
Nhắc tới cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cam kết sẽ kế thừa và phát huy các thành tựu của ASEAN, phối hợp chặt chẽ với các nước trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN.
Về Biển Đông, Thủ tướng cho rằng ASEAN cần nhìn nhận thẳng thắn, ghi nhận những tiến triển tích cực trong đàm phán COC, song cũng không bỏ qua những diễn biến phức tạp trên thực địa.
ASEAN cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa có tiếng nói trách nhiệm với những diễn biến tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào và Campuchia, gặp Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Singapore, Tổng thống Philipines để trao đổi các vấn đề cùng quan tâm.
- Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được thông qua. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc này?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Hội nghị lần này đã thông qua 04 văn kiện: Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về sự phát triển bền vững; Tuyên bố về chống rác thải và Tuyên bố chọn Năm 2019 là Năm Văn hóa ASEAN và tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực phức tạp ngày nay, tài liệu này có ý nghĩa rất quan trọng.
Trước hết, tài liệu đã khẳng định khả năng hợp tác, đồng thuận, đoàn kết của ASEAN trong ứng phó với các thay đổi, thách thức bên ngoài.
Bên cạnh đó, cũng là thông điệp của ASEAN với thế giới, mong muốn có khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Ngoài ra, đây cũng là những định hướng cho ứng xử của ASEAN với các chiến lược, sáng kiến hợp tác khu vực của các nước lớn.
Theo tôi, tài liệu này sẽ tạo tiền đề để ASEAN phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, chủ đạo, dẫn dắt hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
- Xin Thứ trưởng cho biết nét mới liên quan đến đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Như chúng ta đã biết, đàm phán RCEP chưa thể kết thúc vào năm ngoái như đã định, cho thấy có những khó khăn do lợi ích các nước khác nhau.
Tuy vậy, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn căng thẳng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, những nguyên tắc, chuẩn mực, luật chơi vốn đã định hình lâu nay của hệ thống thương mại đa phương đứng trước thách thức, kết thúc đàm phán RCEP sẽ gửi đi một thông điệp có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ASEAN ủng hộ tự do thương mại, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Cùng với quyết tâm của các nước, đàm phán đang được khẩn trương thúc đẩy, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa các nước nhằm tiến tới đạt được mục tiêu kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay.
- Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng có thể cho biết thêm diễn biến và quan điểm của các nước tại Hội nghị?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Với tầm quan trọng của mình, diễn biến xung quanh Biển Đông luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm, chú ý của các nước. Tại Hội nghị lần này, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại vùng biển huyết mạch này của thế giới.
Các nước thống nhất, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nghĩa vụ của tất cả các nước, các bên.
Trong bối cảnh đó, các nước cần kiên trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đề cao kiềm chế, tránh có các hành động đơn phương, có thể làm xói mòn lòng tin như tôn tạo, bồi đắp các thực thể, quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Các nước đồng thời ghi nhận kết quả đạt được trong đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mong muốn sớm có COC hiệu lực, hiệu quả và được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ủng hộ.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.