Truyền thống đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp, các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam-Campuchia không ngừng được đẩy mạnh trong thời gian qua, hình thành và từng bước hoàn thiện cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, giữa các địa phương khu vực biên giới giữa hai nước.
Bài 2: Hoàn thiện các cơ chế hợp tác thiết thực và mở rộng
Việt Nam và Campuchia đã định hình nhiều cơ chế hợp tác song phương và khu vực.
Hợp tác song phương tiếp tục được mở rộng thông qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại vào Campuchia, Hội chợ thương mại Việt Nam-Campuchia, Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia; hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, Hội Hữu nghị của hai nước…
Bên cạnh đó là các cơ chế hợp tác khu vực như chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).
[Xây tiếp những nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Campuchia]
Trong số này, hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được xem là cơ chế hợp tác quan trọng, góp phần duy trì ổn định về an ninh chính trị, an toàn xã hội khu vực biên giới giữa hai nước.
Thông qua các cơ chế hợp tác đang vận hành, nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước đã được triển khai, đạt được kết quả quan trọng.
Hai bên chủ động, tích cực triển khai các hiệp định giữa hai chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thực chất.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính phủ hai nước thỏa thuận xây dựng và thực hiện cơ chế mở cửa cho các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch liên quốc gia, hợp tác lao động, thủ tục hải quan, xuất-nhập cảnh và các quy chế về thương mại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi các doanh nghiệp về đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa các hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia và ngược lại.
Bên cạnh đó, lĩnh vực hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng được hai bên quan tâm, coi đây là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, nhằm hình thành đội ngũ cán bộ hiểu biết lẫn nhau giữa các ngành, các lĩnh vực của hai nước, góp phần tích cực trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vì mục tiêu phát triển bền vững của mỗi nước.
Đáp ứng yêu cầu của Campuchia về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, mỗi năm, phía Việt Nam cung cấp hàng trăm suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên, du học sinh Campuchia.
Ở chiều ngược lại, Campuchia cũng dành cho Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khmer với chương trình đào tạo kéo dài hai năm.
Về thương mại, Việt Nam và Campuchia cùng là thành viên ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động sản xuất, thương mại của hai nước.
Hai bên quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện chính sách ưu đãi thuế quan cho hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước; coi trọng hợp tác thương mại biên giới; hỗ trợ các tỉnh giáp biên giới hai nước đẩy mạnh các hoạt động giao lưu thương mại.
Theo thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019-2020, hai bên cam kết dành cho nhau những ưu đãi về thuế quan với thuế nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng có xuất xứ từ hai nước.
Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm thịt, phụ phẩm, rau quả tươi hoặc ướp lạnh và nhiên liệu diesel. Ngược lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi thuế xuất nhập khẩu 0% cho 32 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản.
Theo Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Việt Nam đang có tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia là 188 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 2,85 tỷ USD, nằm trong tốp quốc gia dẫn đầu ASEAN về vốn đầu tư tại Campuchia.
Ở chiều ngược lại, Campuchia có 19 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 63,42 triệu USD.
Trong những năm từ 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia chỉ đạt khoảng 130-150 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2005-2009, kim ngạch thương mại song phương tăng trung bình khoảng 30-40%/năm. Trong những năm gần đây, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá: Năm 2020 đạt 5,3 tỷ USD; năm 2021 đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2020.
Trong ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 3,370 tỷ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, Campuchia nhập hàng từ Việt Nam đạt 1,550 tỷ USD, tăng 27,2%; Việt Nam nhập hàng từ Campuchia đạt 1,820 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2022 vượt mốc 10 tỷ USD.
Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Hai bên đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia.
Nhờ đó, hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia có sự chuyển biến mạnh mẽ với vai trò quan trọng, nổi bật của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp vừa và lớn.
Trong quá trình đầu tư tại Campuchia, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực thích ứng, làm ăn hiệu quả, được phía Campuchia đánh giá cao, như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) với thương hiệu Metfone, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...
Các doanh nghiệp này không chỉ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng thuế, mà còn đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển hạ tầng và tạo việc làm cho hàng vạn lao động Campuchia.
Trong cuộc gặp gỡ đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là chủ thể hợp tác, mà còn đóng vai trò chủ động, khởi xướng, tạo động lực mới trong thương mại đầu tư, làm phong phú thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia với những đóng góp quan trọng”./.