Việt Nam có đại diện đoạt Giải thưởng nghiên cứu 2022 của APEC

Giải thưởng Nghiên cứu năm 2022 của APEC về “Phụ nữ Khỏe mạnh - Nền kinh tế lành mạnh” đã được trao cho 3 nhà khoa học của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Phó giáo sư Trần Xuân Bách - Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện của Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Bách - Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, đã vinh dự được trao giải Nhì Giải thưởng Nghiên cứu năm 2022 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Phó giáo sư Trần Xuân Bách được vinh danh với cụm công trình nghiên cứu về tác động của đại dịch COVID-19 với sức khỏe của phụ nữ, bất bình đẳng trong chăm sóc y tế, sức khỏe tâm thần của phụ nữ mang thai và đề xuất các chính sách can thiệp trên cơ sở giới.

Ưu tiên chính sách kết hợp can thiệp dựa trên bằng chứng

Những năm qua, cộng đồng khoa học cũng như lãnh đạo các nền kinh tế APEC đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc bình đẳng giới, nâng cao sức khỏe phụ nữ và trẻ em, đảm bảo tiếp cận chăm sóc y tế phổ cập, trao quyền và thúc đẩy sự tham gia một cách hiệu quả của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong nghiên cứu của mình, Phó giáo sư Trần Xuân Bách đã xác định các hình thái thiếu tiếp cận dịch vụ và nhu cầu chăm sóc y tế chưa được đáp ứng mà phụ nữ mang thai phải trải qua khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nghiên cứu đồng thời đánh giá tác động của đại dịch đối với chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe tâm thần của phụ nữ mang thai, sự hài lòng trong cuộc sống, và quá trình khởi phát trầm cảm.

Thông qua phân tích các yếu tố quyết định sức khỏe đa tầng, tác giả đã nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của hỗ trợ tâm lý xã hội cho phụ nữ mang thai và đưa ra các gợi ý quan trọng trong việc cải thiện tình trạng kinh tế và sức khỏe của phụ nữ cũng như củng cố hệ thống y tế sau đại dịch COVID-19. Trong số đó, cần thiết kế và triển khai các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tích hợp và toàn diện hơn cho những phụ nữ mang thai bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo Phó giáo sư Bách, các chính sách kết hợp can thiệp dựa trên bằng chứng cần được ưu tiên, bao gồm việc việc mở rộng dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe từ xa, tăng cường hỗ trợ gia đình và xã hội, và các chiến lược giáo dục sức khỏe dựa vào cộng đồng, để cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng như nâng cao chất lượng và sự hài lòng với dịch vụ y tế.

Phó giáo sư Bách cho biết thêm các vấn đề sức khỏe hiện đại thường thay đổi rất nhanh chóng, có tính chất đột ngột và ở quy mô rộng lớn. Điều này đặt ra yêu cầu với các nhà y tế công cộng là phải tổ chức được các mạng lưới nghiên cứu liên ngành, xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học và các cơ chế liên kết phối hợp làm việc trong nước và quốc tế, kịp thời đáp ứng với nhu cầu bằng chứng cho quá trình xây dựng chính sách và can thiệp cộng đồng.

"Thách thức này rất lớn vì nó đi ngược lại quy luật tuần tự trong khoa học, do đó cũng đòi hỏi các nghiên cứu viên phải dũng cảm, kiên nhẫn và bền bỉ để vượt qua những ranh giới, thay đổi kịp với nhu cầu phát triển và hòa chung nỗ lực của mình vào sự phát triển của xã hội," Phó giáo sư Trần Xuân Bách nói.

Đề cao chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em

Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC (WEF) và Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế (HLPDWE) APEC diễn ra ngày 7/9/2022, tại Thái Lan, nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Trong các hoạt động của diễn đàn, Giải thưởng Nghiên cứu năm 2022 của APEC về “Phụ nữ Khỏe mạnh - Nền kinh tế lành mạnh” đã được trao cho 3 nhà khoa học của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, với các nghiên cứu xuất sắc được chọn từ 21 nền kinh tế thành viên.

Giáo sư Zheng Ruimin - Giám đốc Khoa Chăm sóc sức khỏe phụ nữ của Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em Quốc gia Trung Quốc giành giải Nhất với nghiên cứu về trầm cảm thai kỳ.

Nghiên cứu của Phó giáo sư Trần Xuân Bách của Việt Nam và Giáo sư Jaime Galvez Tan của Philippines giành giải Nhì của Giải thưởng nghiên cứu APEC năm 2022.

Giáo sư Zheng Ruimin (ngoài cùng bên phải) - Giám đốc Khoa Chăm sóc sức khỏe phụ nữ của Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em Quốc gia Trung Quốc giành giải Nhất.

Nghiên cứu của Giáo sư Zheng hướng vào trầm cảm trong giai đoạn sớm nhất của quá trình mang thai và khuyến nghị việc tầm soát trầm cảm định kỳ trong suốt quá trình mang thai để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế của phụ nữ.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó giáo sư Bách cho hay: “Giải thưởng này là minh chứng cho tầm quan trọng của nghiên cứu đối với việc xây dựng chính sách và là nguồn cảm hứng, động viên bất tận cho chúng tôi cũng như rất nhiều nhà khoa học khác đang nghiên cứu về đại dịch COVID-19”.

Giáo sư Jaime Galvez Tan - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines, Nguyên Phó Hiệu trưởng của Đại học Philippines Manila, Nguyên Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Sức khỏe Philippines, Chủ tịch Quỹ Health Futures, đồng giải Nhì.

Giáo sư Jaime Galvez Tan của Philippines.

Nghiên cứu của Giáo sư Jaime Galvez Tan xác định căn nguyên và hậu quả của mang thai trong thanh thiếu niên và khuyến nghị các giải pháp can thiệp sớm trong thời thơ ấu, bao gồm các chương trình giáo dục sức khỏe tình dục dựa vào trường học nhằm nâng cao sức khỏe phụ nữ, sự thoải mái và trao quyền.

Kể từ năm 2014, sáng kiến “Phụ nữ Khỏe mạnh - Nền kinh tế lành mạnh” (HWHE) của APEC đã hoạt động trên cơ sở đối tác công-tư giữa 3 nhóm công tác của APEC: “Đối tác Chính sách về Phụ nữ và Kinh tế” (PPWE), Nhóm Công tác Y tế (HWG) và Nhóm Công tác Phát triển Nguồn nhân lực (HRDWG) - để cải thiện sức khỏe của phụ nữ để phụ nữ có thể tham gia, phát triển và vươn lên trong lực lượng lao động.

Sáng kiến “Phụ nữ khỏe mạnh, nền kinh tế lành mạnh” APEC có sự tham gia của các quan chức cấp cao về y tế, lao động, và giới, khu vực tư nhân, cơ quan nghiên cứu và các bên liên quan.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục