Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra hồi đầu tháng 11 vừa qua tại Glasgow, Vương quốc Anh.
Tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ quan điểm về biến đổi khí hậu, khẳng định quyết tâm của Việt Nam đóng góp một cách trách nhiệm vào những nỗ lực chung toàn cầu.
Nhiều năm qua, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh…
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Brussels, ông Frédéric Nguyễn, cố vấn tại Văn phòng Phó Thủ tướng liên bang kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Việc làm Bỉ, Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ-Việt Nam (CCIBV), nhấn mạnh tăng trưởng xanh đặc biệt ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, như Việt Nam, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo ông Frédéric Nguyễn, hai vấn đề chính để thúc đẩy phát triển xanh là tập trung vào yếu tố con người, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. Thứ hai là dám thay đổi mọi thứ theo chiều sâu. Tuy nhiên, đây không phải là công việc dễ dàng bởi một mặt là phát triển kinh tế, mặt khác, dân số tăng ảnh hưởng đến đô thị hóa, nhưng vẫn phải tuân thủ bảo vệ môi trường.
Đề cập đến những ảnh hưởng của tăng trưởng xanh đối với nền kinh tế, ông Frédéric Nguyễn cho rằng đây là thách thức đối với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.
[Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm phòng chống lũ lụt của Brussels]
Việt Nam là một trong những nước bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố từ bên ngoài. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực thường xuyên phải đối mặt với bão lũ.
Theo ông Frédéric, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm chống lũ lụt của Bỉ, đó là sự hợp tác công-tư. Lĩnh vực tư nhân là các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm. Lĩnh vực công là Quỹ phòng chống thiên tai của vùng. Thiên tai gây nhiều hậu quả nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, hạ tầng cơ sở, ảnh thưởng tới thương mại.
Trong trường hợp này, Công ty bảo hiểm lũ lụt chịu trách nhiệm ở một mức trần nào đó theo quy định. Tiếp đó, Quỹ phòng chống thiên tai của vùng (vùng thủ đô Brussels, vùng Wallonie của Cộng đồng nói tiếng Pháp, vùng Flanders của Cộng đồng nói tiếng Hà Lan), tiếp tục thực hiện giải quyết hậu quả.
Về phần chính quyền, Chính phủ Bỉ thực hiện việc cải cách đối với công ty bảo hiểm để hệ thống hoạt động hiệu quả.
Tăng trưởng xanh phải gắn với nông nghiệp bền vững. Đây cũng là lĩnh vực mà CCIBV mong muốn hỗ trợ Việt Nam nhằm giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tăng thu nhập, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường.
Dự án mà CCIB hướng tới là hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ được trang bị đầy đủ kiến thức để phát huy chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, từ việc chọn đất đến sản xuất và tiếp thị.
Dự án sẽ được thực hiện theo nhiều giai đoạn với sự trợ giúp của Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ, trong đó giai đoạn đầu sẽ tập trung vào những hộ nông dân nhỏ để thu thập và nắm bắt phương thức cũng như thói quen hoạt động, kiến thức kỹ thuật của họ. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, hiện dự án vẫn chưa thể triển khai.
Theo ông Frédéric Nguyễn, hai yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện trong tăng trưởng xanh là tiếp tục chống biến đổi khí hậu, đồng thời chuẩn bị tốt các biện pháp phòng chống thiên tai, lũ lụt trong tương lai./.