Việt Nam đã thể hiện rõ nét bản sắc riêng khi tham gia Hội đồng Bảo an

Ba nội dung chính được Việt Nam nêu rõ trong các hoạt động tại HĐBA là truyền tải thông điệp về đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, nhân văn, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì họp báo quốc tế về việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 17/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Họp báo về việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Cuộc họp báo có sự tham dự của đại diện đại sứ quán một số quốc gia, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Tại họp báo, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã trả lời câu hỏi của báo chí về thành công của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an cũng như định hướng hoạt động sắp tới tại cơ chế đa phương này.

Yếu tố định vị, tạo nên giá trị, uy tín lâu dài

Chia sẻ về nhiệm kỳ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, với ông, điều tâm đắc nhất là Việt Nam đã thể hiện rõ nét bản sắc riêng khi tham gia công việc của Hội đồng Bảo an. Đây là sân chơi quốc tế quan trọng và bản sắc là yếu tố định vị Việt Nam, tạo nên giá trị và uy tín lâu dài cho Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009 và đến nhiệm kỳ 2020-2021, bản sắc của Việt Nam có thể gói gọn trong logo cũng như thông điệp: “Đối tác vì hòa bình bền vững.”

Ba nội dung chính được Việt Nam nêu rõ trong các hoạt động tại Hội đồng Bảo an là truyền tải thông điệp về đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, nhân văn, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới.

[Việt Nam và HĐBA: Nhiệm kỳ đáp trọn lòng tin của bạn bè quốc tế]

Việt Nam cũng đề cao cách tiếp cận toàn diện trong giải quyết các thách thức về hòa bình, an ninh. Các giải pháp được Việt Nam ủng hộ thúc đẩy đều căn cứ trên luật pháp quốc tế, đặt người dân và sinh kế của họ ở vị trí trung tâm, chú trọng mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình, từ khâu ngăn ngừa, giải quyết đến tái thiết hậu xung đột và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.

Về cách làm, theo Bộ trưởng, bản sắc riêng được Việt Nam thể hiện là luôn hướng tới thúc đẩy đồng thuận chung, hợp tác đối thoại, giảm căng thẳng đối đầu. Việt Nam cũng bàn thảo tất cả vấn đề trong chương trình nghị sự với tinh thần tích cực, chú trọng quan điểm của các nước liên quan trực tiếp.

Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an hoặc Chủ tịch của các cơ chế trực thuộc, Việt Nam luôn lắng nghe, tìm điểm đồng, giải quyết thỏa đáng quan tâm của các nước liên quan; do đó, tạo nên bản sắc trong quá trình tham gia. 

Nhất quán cách tiếp cận

Nhận định về quá trình Việt Nam tham gia đóng góp, giải quyết những vấn đề phức tạp, bất đồng tại Hội đồng Bảo an, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết giữa các nước thành viên, đặc biệt là giữa các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có những điểm khác biệt, gây ra những thách thức không nhỏ trong tìm kiếm đồng thuận.

Với những vấn đề như vậy, Việt Nam luôn nhất quán cách tiếp cận xuất phát từ lợi ích chung, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc.

Đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực.

Đại biểu, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước dự họp báo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Cùng với đó, đề cao yêu cầu bảo vệ thường dân, bảo đảm cách tiếp cận nhân đạo; đặc biệt có sự tham vấn, trao đổi với các thành viên trong Hội đồng Bảo an cũng như các đối tác liên quan; chú ý lắng nghe ý kiến, quan điểm lợi ích của các nước thành viên Hội đồng Bảo an, cũng như các nước, các bên liên quan trực tiếp, có vai trò quan trọng.

Lấy ví dụ khi Hội đồng Bảo an thảo luận về tình hình Myanmar, Bộ trưởng cho biết: Việt Nam luôn nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng độc lập, chủ quyền của Myanmar, kêu gọi chấm dứt mọi hành động dùng vũ lực và bảo vệ người dân, vì lợi ích chung của người dân Myanmar. Đồng thời, Việt Nam cũng làm cầu nối thúc đẩy trao đổi giữa Hội đồng Bảo an với ASEAN, qua đó góp phần tạo dựng đồng thuận giữa các bên. 

Tiếp tục thúc đẩy sáng kiến Việt Nam khởi xướng

Về định hướng hoạt động của Việt Nam tại Liên hợp quốc trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, những kinh nghiệm tích lũy qua hai lần tham gia Hội đồng Bảo an các nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021 cùng với các hoạt động lớn của đối ngoại Việt Nam thời gian qua, đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để Việt Nam tiếp tục tham gia vào các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế trong và ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các nghị quyết, sáng kiến Việt Nam đã khởi xướng tại Hội đồng Bảo an như các vấn đề về xử lý hậu quả bom mìn, bảo vệ thường dân trong xung đột, vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh; tiếp tục thúc đẩy vai trò và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng và Liên hợp quốc nói chung, cũng như nội dung bao trùm là tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy hoạt động hiệu quả của Nhóm Bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) với sự tham gia của hơn 100 nước,” Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề cập đến một số nội dung cần được tiếp tục triển khai như: Đóng góp vào nhận thức chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó dịch bệnh thông qua Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12; nỗ lực triển khai các cam kết về biến đổi khí hậu; tăng cường tham gia đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam dự kiến cử một đội Công binh tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại khu vực Abyei, biên giới giữa Sudan và Nam Sudan. Việt Nam cũng sẽ tham gia sâu hơn tại các diễn đàn đa phương khác, trong đó ứng cử vào các vị trí của một số cơ chế tại Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban ranh giới thềm lục địa nhiệm kỳ 2023-2028.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục