Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng gấp ba về dinh dưỡng

Tổng Điều tra Dinh dưỡng lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái.
(Ảnh: Hoàng Hùng/TXVN)

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng gấp ba về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020, diễn ra ngày 15/4 tại Hà Nội, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) kiêm quyền trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam nhấn mạnh rằng Kết quả tổng điều tra cho thấy sự cần thiết phải có các can thiệp ở mức khẩn cấp cũng như cần rà soát, cải tiến các cách tiếp cận để cải thiện tình hình.

Tổng Điều tra có quy mô lớn nhất

Phát biểu quan điểm của các tổ chức quốc tế về việc áp dụng các kết quả điều tra, bà Rana Flowers nhận định Cuộc Tổng điều tra là nguồn dữ liệu phong phú về độ tuổi, giới tính, dân tộc, khu vực địa lý và tình trạng kinh tế xã hội có thể giúp đảm bảo chiến lược mới nhắm mục tiêu đến những trẻ em và các cộng đồng có nguy cơ tụt lại phía sau tiến bộ chung. Các kết quả cũng giúp xác định các điểm ưu tiên, thiết kế các can thiệp, lập ngân sách cho việc thực hiện ở cấp trung ương và cấp tỉnh, các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng như vùng dân tộc thiểu số sẽ cần được ưu tiên quan tâm đầu tư.

[Cảnh báo nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi chuyển sang Hè]

Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành thường kỳ 10 năm một lần. Năm 2019, Tổng điều tra Dinh dưỡng được tiến hành ngay sau cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 (tháng 4/2019).

Cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc được Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) triển khai phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế như UNICEF, FAO, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), World Bank, CDC (Hoa Kỳ), Institute of Reseach Development (Pháp)...

Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng liên hợp quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh Tổng Điều tra Dinh dưỡng lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia, với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái; thực hiện thu thập đồng thời các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phẩn ăn cá thể cũng như thông tin về an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đánh giá các Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng, giai đoạn 2011-2020 và đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm phục vụ cho việc soạn thảo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong giai đoạn tiếp theo.

Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh

Giáo sư Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng báo cáo một số kết quả chính của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020) được công bố tại hội nghị cho thấy khẩu phần ăn của người dân năm 2020 đã có nhiều thay đổi.

Theo giáo sư Tuyên, năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925kcal/ người/ngày năm 2010. Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020); Mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4%-77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành.

Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh, từ 84g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155g/người/ngày (năm 2020).

Kết quả chính Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc cho thấy mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm, tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Chiều cao nam thanh niên Việt Nam là 168cm

Giáo sư Tuyên phân tích, về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% (mức <20%) - được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Như vậy, tiếp nối kỳ tích giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em <5 tuổi xuống còn 19,9% vào năm 2008 (tức là Việt Nam đã về đích trước 7 năm so với chỉ tiêu mà Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) đặt ra đến năm 2015), thì đến nay Việt Nam đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% SDD thấp còi trẻ em đến năm 2025). Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, ở các vùng nông thôn và miền núi tỷ lệ này còn ở mức cao.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020; trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), nữ năm 2020 đạt 156,2cm (năm 2010: 154,8cm).

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu đã ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (riêng phụ nữ có thai tỷ lệ thiếu máu ở mức trung bình); giảm tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng (2010 - 2020) nhưng tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em; bà mẹ...).

Theo Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc, tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đã có sự cải thiện đáng kể, tăng từ 19,6% (năm 2010) lên 45,4% (năm 2020); trong đó ở khu vực thành thị tỷ lệ này là 55,7%, nông thôn là 40,3% và nông thôn miền núi là 42,7%...

Vẫn còn những thách thức

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh các kết quả chính của Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 cho thấy bức tranh toàn cảnh về dinh dưỡng Việt Nam, những tiến bộ trong 10 năm qua cũng như những thách thức khó khăn cần giải quyết trong giai đoạn tới.

Đó là vấn đề suy dinh dưỡng các thể vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, có dân tộc thiểu số sinh sống, bao gồm thiếu dinh dưỡng mẹ và trẻ em liên quan đến an ninh thực phẩm hộ gia đình, thiếu các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, i-ốt. Bên cạnh đó, thừa cân béo phì đang gia tăng ở các tất cả các lớp tuổi và cả ở thành thị và nông thôn, kéo theo là sự gia tăng không kiểm soát được của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết với các kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng được công bố là cơ sở để có những định hướng để xây dựng Chiến lược cho giai đoạn mới như tăng cường đầu tư cho các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu trong 1.000 ngày vàng bao gồm dinh dưỡng trước/trong khi mang thai, dinh dưỡng bà mẹ cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý, lồng ghép can thiệp dinh dưỡng trong đảm bảo bao phủ y tế toàn dân.

Các đơn vị có liên quan cần có những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Đặc biệt là việc đầu tư chiến lược và cơ cấu lại hệ thống là cần thiết để đạt được sự công bằng hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi và cần có các mục tiêu cải thiện dinh dưỡng riêng cho các nhóm dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục