Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn

Lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và cho rằng Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 ở Hà Nội diễn ra ngày 30/9, tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tạp chí Tiền tệ Châu Âu (Euromoney) phối hợp tổ chức, lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và ​cho rằng Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn.

Tăng trưởng ấn tượng

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng nhanh hơn; lạm phát ở mức thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19.000 ​dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký mới tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ và số vốn giải ngân đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2014. Nhiều ​tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các Tập đoàn đến từ châu Âu, đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tony Shale, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực ​châu Á của Euromoney cho biết, Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn trong khu vực châu Á.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng được những cơ hội phát triển. Trong nửa đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6,28%.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia hội nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

“Các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh giúp Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng trong việc thu hút vốn đầu tư,” ông Tony Shale nói.

Ông Peter R Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital Corporation đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1992 nhận định: "Trong 23 năm qua, Việt Nam đã phát triển rất phi thường, kinh tế có những lúc thăng, trầm nhưng xu hướng chung là bước đi vững chắc và đi lên. Trên 90% dân số Việt Nam đang có điều kiện sống hơn hẳn ngày tôi mới đến nơi này. Đây là một bước phát triển thành công​."

"Trong buổi hội thảo về ASEAN tại Quảng Nam mới đây, có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong tổng thời lượng sáu tiếng thì có tới hơn năm tiếng xoay quanh chủ đề Việt Nam. Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam," ông Ryder nói.

Còn ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và VinaCapital cho biết, kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang tiếp tục có xu hướng quay trở lại Việt Nam.

​Đặc biệt, ​gần đây Việt Nam có mối quan hệ khá tốt với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản… Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng đầu tư với chính sách kinh tế theo hướng thị trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cần có tầm nhìn dài hạn

​Tuy đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, song ​các đại biểu nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi đang phát triển. Bởi vậy, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn nhưng đừng kỳ vọng thành công trong ngắn hạn.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển tại Việt Nam (ADB) cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định nhưng vẫn còn một số trở ngại, khả năng dễ bị tổn thương với những tác động kinh tế toàn cầu. Về cán cân thanh toán, thâm hụt cán cân thương mại đã được thu hẹp lại. Đây là điều cần lo ngại vì tài khoản vốn vẫn chưa có những nguồn vốn đáp ứng đủ yêu cầu.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.

Bởi vậy, với quy mô khá khiêm tốn của thị trường tài chính Việt Nam, gần đây Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế như: ban hành quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 100% và nhiều nội dung mang tính mở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Ông Vinh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sửa đổi thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục