Việt Nam đối thoại văn hóa, tôn giáo tại Hội đồng Nhân quyền

Tại phiên đối thoại, đại diện Việt Nam nêu bật đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú và bác bỏ các nhận định thiếu khách quan về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong hai ngày 10 và 11/3, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (trụ sở tại Geneva) đã tiến hành hai phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng và Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa, trong đó báo cáo về kết quả chuyến thăm Việt Nam trong hai năm vừa qua.

Trong báo cáo cũng như trình bày trước Hội đồng Nhân quyền, Báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo và tín ngưỡng Heiner Beilefeldt đã đánh giá cao sự hợp tác và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng Việt Nam trong suốt thời gian chuyến thăm.

Báo cáo cũng ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là sự phát triển số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo cũng như các cơ sở thờ tự tại khắp các tỉnh trong những năm vừa qua; đồng thời khuyến nghị Việt Nam tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về tôn giáo và tín ngưỡng, điều tra làm rõ các cáo buộc liên quan đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bày tỏ ý muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong quá trình thực hiện vai trò Báo cáo viên đặc biệt của mình.

Trong báo cáo kết quả chuyến thăm Việt Nam (18-29/11/2013) trình lên Hội đồng Nhân quyền, Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa Farida Shaheed đã tập trung ghi nhận những kết quả nổi bật của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ cũng như cải thiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là việc mở rộng tiếp cận của người dân với giáo dục và văn hóa tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Báo cáo viên đặc biệt cũng ghi nhận những cải thiện về khung pháp lý và không gian dành cho tự do sáng tạo của nghệ sỹ và những người hoạt động nghệ thuật.

Với tư cách là nước liên quan, đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực vào đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt.

Trả lời phần trình bày của Báo cáo viên đặc biệt về tự do, tôn giáo tín ngưỡng, đại diện Việt Nam đã nêu bật tình hình đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú tại Việt Nam, bác bỏ các nhận định thiếu khách quan và có tính chọn lọc mà Báo cáo viên nêu trong báo cáo, đồng thời khẳng định tinh thần hợp tác, đối thoại của Việt Nam nhằm giải quyết các khác biệt về quan điểm trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Tại phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa, đoàn Việt Nam đã đánh giá cao tinh thần đối thoại, trao đổi cởi mở của Báo cáo viên với các cơ quan liên quan của Việt Nam, hoan nghênh các nhận định, đánh giá tích cực về tình hình thực hiện quyền văn hóa tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ quan ngại đối với một số đánh giá chưa chính xác và thiếu toàn diện mà Báo cáo viên nêu trong báo cáo.

Đại diện của Việt Nam cũng làm rõ khung pháp lý và các nỗ lực trong việc thúc đẩy sự thụ hưởng các quyền văn hóa, trong đó có hoạt động biểu diễn, các hình thức sáng tạo nghệ thuật mới; đồng thời khẳng định cam kết tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong nước, nâng cao nhận thức của người dân và tiếp tục hợp tác, đối thoại xây dựng với Báo cáo viên đặc biệt cũng như các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (các chuyên gia có nhiệm vụ theo dõi, tư vấn và báo cáo về tình hình nhân quyền tại các nước) trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục