Từ ngày 29-31/3, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10 tại Hà Nội.
Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào hầu hết các sáng kiến hợp tác của tiểu vùng, mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực.
Thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế tiểu vùng
Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây). Tiểu vùng Mekong mở rộng là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km2 và dân số khoảng 340 triệu người. Hợp tác kinh tế được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong.
Hội nghị Bộ trưởng GMS họp thường niên, luân phiên tại các nước thành viên của hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng. Hội nghị Bộ trưởng các nước GMS tập trung xem xét tình hình và thống nhất các giải pháp thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế trong tiểu vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam về hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, là Trưởng đoàn Việt Nam tại các Hội nghị Bộ trưởng GMS. Cho tới nay, GMS đã tổ chức được 22 hội nghị Bộ trưởng và 5 hội nghị thượng đỉnh.
Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Nguyên tắc hợp tác và lựa chọn dự án tiểu vùng Mekong là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống nhân dân trong tiểu vùng. Các chương trình và dự án cần phản ánh sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường. Các dự án có thể thu hút một số quốc gia trong tiểu vùng Mekong mở rộng và không nhất thiết phải bao gồm tất cả 6 nước. Các sáng kiến và các quyết định liên quan đến các dự án tiểu vùng được các nước liên quan thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Việc cải tạo hoặc khôi phục những cơ sở hạ tầng hiện có được ưu tiên cao hơn việc xây dựng các cơ sở mới.
Việc tài trợ cho các dự án từ nguồn Chính phủ và tư nhân đều được khuyến khích. Các nước thành viên GMS cần thường xuyên gặp gỡ trao đổi để duy trì động lực thúc đẩy tiến trình hợp tác phát triển. Các dự án hợp tác sẽ không làm tổn hại lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, dù là lợi ích đã có hoặc sẽ có trong tương lai.
Chiến lược hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng về cơ bản dựa trên ba trụ cột: kết nối hạ tầng, tăng cường khả năng cạnh tranh, kết nối cộng đồng (môi trường, y tế, giáo dục).
Thời gian qua, hợp tác GMS được triển khai trên các lĩnh vực: Giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, du lịch, đầu tư, thương mại và phát triển nhân lực. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải được triển khai mạnh nhất, với sự hình thành của các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông-Tây... và các nước đã ký Hiệp định tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hành khách, hàng hóa qua biên giới tiểu vùng Mekong mở rộng. Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng đang triển khai Khung Chiến lược hợp tác mới 2012-2022.
Kết nối giao thông, tăng cường thương mại, đầu tư
Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp vào hầu hết các sáng kiến hợp tác của GMS. Tính đến tháng 12/2017, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay/trợ cấp của GMS. Lĩnh vực giao thông chiếm 87%; phát triển đô thị 7,9%; y tế và bảo trợ xã hội 2,7%; nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên 3,7%; công nghiệp và thương mại 0,4%; thuận lợi hóa thương mại và vận tải 0,2%.
Về hợp tác giao thông vận tải, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế GMS và đã tham gia vào 3 tuyến hành lang kinh tế chính là: Bắc-Nam, Đông-Tây và hành lang ven biển phía Nam. Việc kết nối các tuyến hành lang qua lãnh thổ Việt Nam giúp Việt Nam tối đa hoá các lợi ích kinh tế thu được từ kết nối giao thông, tăng cường thương mại và đầu tư trong các vùng dọc theo các hành lang kinh tế.
Nhiều dự án giao thông do ADB tài trợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đưa vào sử dụng tháng 11/2005, bao gồm cả việc xây dựng hai trạm kiểm soát biên giới tại cửa khẩu biên giới Bà Vẹt và Mộc Bài. Dự án tài trợ hành lang Đông-Tây, đoạn đường từ Đông Hà-Lao Bảo hoàn thành năm 2005. Dự án Hành lang Côn Minh-Hải Phòng và Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được phê duyệt vào tháng 12/2015 và hoàn thành vào tháng 5/2010.
Đường cao tốc dài nhất Việt Nam, tuyến Nội Bài-Lào Cai, khai trương vào tháng 9/2014 và là một phần trong dự án hành lang kinh tế Bắc-Nam đã mang lại giá trị kinh tế lớn. Con đường cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội với biên giới Trung Quốc tại Lào Cai, dài 244 km về phía Tây bắc, giảm thời gian đi lại từ 7 giờ xuống còn 3 giờ.
Cùng với việc hoàn tất xây dựng hầm đường bộ Hải Vân và nâng cấp cảng Đà Nẵng do Nhật Bản tài trợ, cũng như việc hoàn thành xây dựng cầu quốc tế Mekong thứ hai nối Mụcđahản (Thái Lan) và Savanakhet (Lào) vào cuối năm 2006 đã thông tuyến giao thông của hành lang kinh tế Đông-Tây nối liền đường bộ từ Thái Lan-Lào-Việt Nam đi ra Biển Đông.
Một số dự án khác như tuyến hành lang phía Bắc giá trị 75 triệu USD đoạn từ Thanh Hóa nối sang Lào và Thái Lan, tuyến hành lang phía Nam giá trị 25,5 triệu USD đoạn quốc lộ 80 và 63 nối Việt Nam và Campuchia...
Việc thực hiện Hiệp định Giao thông xuyên biên giới GMS đã mang lại các kết quả tích cực, cho phép giải phóng nhanh các loại hàng hóa thông thường và rút ngắn thời gian xử lý thông quan cho người, phương tiện và hàng hóa. Việt Nam đã thông qua Hiệp định Giao thông xuyên biên giới GMS vào năm 1999, tới nay đã thông qua tất cả các phụ lục của Hiệp định.
Từ năm 2012, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cấp phép cho các phương tiện của nhau dọc tuyến Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Nam Ninh-Thâm Quyến. Trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, Việt Nam, Thái Lan và Lào đã ký Bản ghi nhớ mở rộng tuyến đường nối tới thủ đô của ba nước và hai cảng biển lớn là Laem Chabang và Hải Phòng.
Nhiều hợp tác thiết thực
Trong lĩnh vực điện năng, Việt Nam tham gia ký kết và thực hiện Kế hoạch Tổng thể Khu vực về liên kết điện năng trong GMS. Hợp tác phát triển năng lượng GMS giúp Việt Nam xác định, chuẩn bị và đầu tư cho các sáng kiến ưu tiên nhằm thúc đẩy thương mại điện năng, cũng như thiết lập các thể chế theo định hướng đảm bảo an ninh năng lượng trong tiểu vùng Mekong mở rộng.
Ngoài ra, việc tham gia các cuộc họp của Ủy ban điều phối thương mại năng lượng khu vực GMS cũng giúp Việt Nam cập nhật tình hình phát triển thị trường và kế hoạch ngành năng lượng của các nước GMS, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật từ ADB và phối hợp hài hòa chính sách với các nước GMS. Việt Nam đã phối hợp với các nước láng giềng GMS để tận dụng các thỏa thuận thương mại về điện trong tiểu vùng; chia sẻ thông tin về thăm dò, sản xuất và truyền tải các nguồn năng lượng. Việt Nam cũng mở rộng việc tiếp cận điện năng tới các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp năng lượng.
Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực (y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề và di cư), các nước GMS coi việc kiểm soát các bệnh dịch truyền nhiễm xuyên biên giới như SARS, cúm gia cầm, HIV/AIDS và các bệnh dịch khác như bại liệt, sốt rét và lao là một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác y tế. Việt Nam tham gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật của ADB cho các nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Dự án này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường năng lực ngăn ngừa lan truyền dịch bệnh xuyên biên giới và phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia nghiên cứu các giải pháp xóa bỏ ma túy trong GMS…
[Các Hội nghị GMS và Tam giác phát triển sẽ diễn ra từ 29-31/3]
Trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam tham gia Chương trình Môi trường trọng điểm với mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển kinh tế tiểu vùng. Từ năm 2014, hợp tác GMS cũng triển khai sáng kiến vận tải xanh, với các dự án thí điểm ở Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm nghiên cứu việc hạn chế lượng khí thải carbon từ hoạt động vận tải. ADB cũng hỗ trợ việc thiết lập hành lang đa dạng sinh học qua biên giới giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc)...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của GMS, hợp tác nông nghiệp, du lịch, viễn thông mang lại những hiệu quả thiết thực.
Những năm qua, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng đã giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các nước, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên, ứng phó với những thách thức chung của khu vực, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong mở rộng./.