Việt Nam đủ khả năng xét nghiệm và phát hiện virus cúm lợn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay, các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đều có đủ khả năng, nguyên liệu xét nghiệm, phát hiện virus cúm nói chung; trong đó có virus cúm lợn.
(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay, các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đều có đủ khả năng, nguyên liệu xét nghiệm, phát hiện virus cúm nói chung; trong đó có virus cúm lợn, kể cả chủng pdm/09 H1N1 bằng phương pháp Real-time PCR và giải trình tự gien của virus cúm.

Liên quan đến việc giám sát cúm lợn tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, Cục Thú y đã chủ động giám sát, phát hiện bằng chứng lưu hành virus pdm/09 H1N1 trên lợn và người.

Theo đó, từ năm 2009 đến nay, sau khi xuất hiện đại dịch cúm do pdm/09 H1N1 gây ra vào năm 2009, Cục Thú y phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, chủ động lấy mẫu và xét nghiệm trên 35.600 con lợn các loại.

Trong các năm 2013-2014, Cục Thú y và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tổ chức thực hiện giám sát chủ động, lấy 7.500 mẫu dịch hầu họng và huyết thanh lợn tại 220 lò mổ của 9 tỉnh, thành phố và 1.512 mẫu dịch ngoáy mũi, hầu họng của những người tham gia giết mổ lợn tại các lò mổ này để xét nhiệm virus cúm pdm/09 H1N1, H3N2 và H5N1.

Kết quả cho thấy, đối với mẫu trên người, có 4 mẫu dịch hầu họng dương tính virus cúm A/H3; 19% mẫu huyết thanh dương tính kháng thể virus cúm pdm/09 H1N1, 11% mẫu huyết thanh dương tính kháng thể virus cúm A/H3.

Đối với mẫu trên lợn, 1,1% mẫu dịch hầu họng dương tính virus cúm A (không có mẫu dương tính H1 và H3); 10 mẫu huyết thanh dương tính kháng thể virus cúm A/H1 và 21 mẫu huyết thanh dương tính virus cúm A/H3.

Trong giai đoạn 2010-2018, Cục Thú y phối hợp với Viện Thú y Nhật Bản tổ chức thực hiện giám sát chủ động, lấy 14.600 mẫu dịch hầu họng và huyết thanh lợn tại 270 cơ sở chăn nuôi lợn và 10 cơ sở giết mổ lợn tại các tỉnh khu vực phía Bắc và phía Nam.

Kết quả, tổng cộng phát hiện 527 mẫu virus cúm H1N1, pdm/09 H1N1, H1N2 và H3N2.

[WHO: Chủng virus cúm lợn mới công bố được nghiên cứu từ năm 2011]

Theo kết quả phân tích di truyền HA, các chuyên gia Nhật Bản cho biết đã phát hiện 1 mẫu virus cúm H1N1 thu thập cuối năm 2018 tại Bắc Ninh thuộc dòng EA, clade 1C.2.3. Tuy nhiên, để khẳng định chủng virus này có kiểu gen G4 hay không, các chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục phân tích và trả lời trong thời gian tới.

Trong các năm 2012-2017, Cục Thú y phối hợp với FAO tổ chức thực hiện giám sát chủ động, lấy 13.500 mẫu dịch hầu họng lợn tại các cơ sở chăn nuôi lợn. Kết quả, tổng cộng phát hiện 688 mẫu virus cúm A (5,1%); không phát hiện virus cúm H1N1.

Để phòng, chống bệnh cúm lợn, ngày 28/4/2009, Cục Thú y đã ban hành công văn số 653/TY-DT hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhận biết, phát hiện, xử lý và phòng, chống bệnh cúm lợn.

Hiện nay, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung, bao gồm cả bệnh cúm ở động vật được thực hiện theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giám sát cúm lợn ở lợn và người (đặc biệt là chủng pdm/09 H1N1 và các chủng có khả năng lây sang người); tiếp tục phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về cúm lợn.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và văn bản hướng dẫn cụ thể phòng, chống bệnh cúm lợn; trong đó có nội dung tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện cúm lợn.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhưng không gây hoang mang cho cộng đồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, virus cúm lợn H1 lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1918. Đến nay, virus cúm lợn H1 gồm 3 dòng chính: dòng virus cúm lợn cổ điển (Classical swine lineage, bao gồm cả pdm/09 H1N1); dòng virus H1N1 Âu - Á có nguồn gốc chim hoang dã (Eurasia avian lineage) và dòng virus có nguồn gốc virus cúm mùa ở người (Human seasional lineage).

Virus cúm lợn H1 lưu hành trong quần thể lợn ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tùy thuộc vào vị trí địa lý, các đặc tính kháng nguyên và di truyền của các virus là khác nhau. Các trường hợp người nhiễm virus cúm lợn H1 cũng đã được báo cáo ở các khu vực châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), mặc dù virus cúm lợn có khả năng lây lan rất nhanh trong đàn lợn (tỷ lệ nhiễm có thể lên tới 100%), nhưng có thể không gây bệnh lâm sàng hoặc chỉ gây bệnh nhẹ và lợn mắc bệnh có thể hồi phục nhanh. Cúm lợn không phải là bệnh bắt buộc phải báo cáo cho OIE.

Virus cúm lợn H1N1 dòng Âu-Á được phát hiện từ năm 2001 và dần trở thành dòng virus cúm lợn chính ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau năm 2009, virus cúm pdm/09 H1N1 đã lây lan sang lợn ở nhiều nơi trên thế giới. Do 2 dòng virus này đồng lưu hành, các tái tổ hợp giữa chúng đã hình thành và xuất hiện rải rác ở Trung Quốc và một số nước khác.

Theo cộng đồng các nhà khoa học quốc tế, virus cúm lợn H1N1 G4 tại Trung Quốc không phải là mới và không lây truyền sang người một cách dễ dàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục