Việt Nam-EU tiến tới hình mẫu hợp tác điển hình trong lĩnh vực Chuyển đổi Xanh

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng EU xây dựng mô hình hợp tác điển hình về Chuyển đổi Xanh; nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả JETP sẽ là minh chứng cho mô hình hợp tác này.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại diễn đàn cấp Bộ trưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3 (IPMF-3). (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Ngày 2/2, tại Thủ đô Brussels (Bỉ) đã diễn ra Diễn đàn cấp Bộ trưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ ba (IPMF-3).

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao từ hơn 70 quốc gia, trong đó có 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu khai mạc diễn đàn, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell khẳng định tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với châu Âu; mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì an ninh và sự thịnh vượng của hai khu vực.

Tại phiên thảo luận bàn tròn có chủ đề “Chuyển đổi Xanh-Quan hệ đối tác vì tương lai bền vững,” các bộ trưởng đã tập trung thảo luận về các giải pháp gắn phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu với Chuyển đổi Xanh, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng và công bằng xã hội và vai trò của quan hệ đối tác EU-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các bộ trưởng nhấn mạnh với thế mạnh và kinh nghiệm xanh hóa mô hình kinh tế của EU, cũng như thế mạnh là nguồn lực tài chính, hợp tác trong lĩnh vực Chuyển đổi Xanh sẽ trở thành trụ cột quan trọng hàng đầu của EU với các nước trong khu vực.

Phát biểu chính mở đầu tại phiên thảo luận trên, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu và Chuyển đổi Xanh mạnh mẽ của Việt Nam, từ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đến việc trở thành 1 trong 3 nước đầu tiên thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của EU trong thúc đẩy và hiện thực hóa chương trình nghị sự xanh ở khu vực, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng EU xây dựng mô hình hợp tác điển hình về Chuyển đổi Xanh, hỗ trợ các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thu hẹp khoảng cách tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả JETP sẽ là minh chứng cho mô hình hợp tác này.

Về các quy định mới về Chuyển đổi Xanh, đặc biệt là Cơ chế Điều chỉnh Biên giới carbon (CBAM) do EU khởi xướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các quy định, chính sách về chuyển đổi xanh của các nước phát triển cần phải tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng, không phải tạo nên rào cản mới cho thương mại vốn là động lực tăng trưởng của nhiều nước đang phát triển.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị các nước EU hỗ trợ Việt Nam và các nước đang phát triển thích ứng thông qua chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt, phối hợp xây dựng chính sách, các cơ chế mua bán và định giá carbon.

Là sáng kiến của EU từ năm 2022, Diễn đàn IPMF được tổ chức thường niên để bộ trưởng ngoại giao các nước EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng chia sẻ, đánh giá về triển vọng hợp tác giữa hai khu vực, từ đó trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy trật tự thế giới dựa trên luật lệ, ứng phó với các thách thức toàn cầu và xây dựng các nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế nhanh, bền vững, công bằng vì mục tiêu thịnh vượng.

Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đến nay tập trung vào: thịnh vượng bao trùm và bền vững, chuyển đổi xanh, quản lý đại dương, quan hệ đối tác và các vấn đề quản trị số, kết nối, an ninh quốc phòng và an ninh con người.

IPMF-3 thu hút sự tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay của các bộ trưởng ngoại giao các nước EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đại diện các tổ chức quốc tế. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nước đối với các khuôn khổ hợp tác giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh cục diện thế giới tiếp tục phân mảnh, chia rẽ, việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác liên khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy thịnh vượng bền vững, bao trùm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục