Việt Nam kêu gọi Liên hợp quốc cải tổ hoạt động gìn giữ hòa bình

Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh các hoạt động gìn giữ hòa bình cần phải được cải tổ để có thể phản ứng hiệu quả đối với các thách thức phức tạp hiện nay.
Việt Nam kêu gọi Liên hợp quốc cải tổ hoạt động gìn giữ hòa bình ảnh 1Binh sỹ thuộc UNMISS làm nhiệm vụ tại Leer, Nam Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 28/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức buổi thảo luận mở với chủ đề “Hành động tập thể nhằm nâng cao hoạt động gìn giữ hòa bình.”

Dưới sự chủ trì của Hà Lan, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 3/2018, cuộc thảo luận có sự tham gia phát biểu của trên 70 nước thành viên Liên hợp quốc.

Phát biểu tại một cuộc thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 28/3 đã kêu gọi các quốc gia có hành động tập thể, mạnh mẽ để đối phó với những thách thức đang đặt ra đối với hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Ông Guterres cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đang phải đối phó với những thách thức nghiêm trọng, nhất là ở bốn nơi triển khai quân đông nhất, đó là Mali, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan.

[LHQ gia hạn sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Somalia và CHDC Congo]

Theo Tổng Thư ký, các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiện phải hoạt động trong những môi trường phức tạp, nguy hiểm hơn rất nhiều, do những mối đe dọa từ các tổ chức vũ trang, tội phạm và khủng bố sở hữu vũ khí tối tân. Trong khi đó, binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thường xuyên không được trang bị không đầy đủ, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng để triển khai tới những môi trường mới nguy hiểm. Ngoài ra, còn nhiều thiếu sót trong khâu chỉ huy và kiểm soát, trang bị, đào tạo và cả hiểu biết văn hóa.

Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đang đứng trước những thách thức mới phức tạp, bao gồm cả các thách thức phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, hoạt động khủng bố... Trong những năm gần đây, nhiều sỹ quan gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực tại các địa bàn xung đột. Năm ngoái, đã có 59 binh sỹ của Liên hợp quốc bị sát hại, tăng mạnh so với con số 34 người hồi năm 2016.

Trước thực tế này, nhiều nước hoan nghênh các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo năng lực thực thi của các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Các nước khẳng định việc tập trung vào các công cụ ngoại giao, trung gian, hòa giải, tìm kiếm các giải pháp chính trị tiếp tục là ưu tiên trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngoài ra, cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác giữa Hội đồng Bảo an, Ban Thư ký Liên hợp quốc và các nước cử binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cũng như thắt chặt quan hệ giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy hiệu quả của hoạt động gìn giữ hòa bình trên thực địa.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh các hoạt động gìn giữ hòa bình cần phải được cải tổ để có thể phản ứng hiệu quả đối với các thách thức phức tạp hiện nay. Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực tổ chức và phân bổ hợp lý các nguồn lực nhằm ngăn ngừa xung đột, xây dựng và giữ vững hòa bình.

Đại sứ cũng chia sẻ với quan điểm của các nước Không liên kết, các nước ASEAN, theo đó các hoạt động gìn giữ hòa bình phải được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ và phải được sự nhất trí của các bên liên quan, không sử dụng vũ lực trừ khi để tự vệ và thực hiện sứ mệnh.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hiện đang gấp rút triển khai Bệnh viện dã chiến cấp II tại Nam Sudan, phù hợp với các tiêu chuẩn và yêu cầu của Liên hợp quốc. Ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ và xây dựng hòa bình, Việt Nam đã cử nữ nhân viên an ninh đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và sẽ cử các nữ nhân viên khác khi triển khai Bệnh viện dã chiến cấp II tại Nam Sudan.

Cũng tại phiên họp này, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley kêu gọi các quốc gia thành viên của tổ chức thế giới này cần đóng góp nhiều hơn cho ngân sách gìn giữ hòa bình quốc tế trị giá hàng tỷ USD. Bà Haley cho rằng một quốc gia không nên gánh vác nhiều hơn 1/4 ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, do vậy bà hy vọng sẽ có sự phân chia ngân sách công bằng hơn giữa các nước thành viên.

Đại sứ Mỹ cho biết thêm Mỹ sẽ tiếp tục là quốc gia hỗ trợ tài chính lớn nhất cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, song sự đóng góp của Washington sẽ chỉ dừng lại mức 25% trong thời gian tới, thấp hơn mức 28,5% như hiện nay.

Theo yêu cầu của Mỹ, nước đóng góp tài chính lớn nhất cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, năm ngoái giới chức Liên hợp quốc đã nhất trí cắt giảm 600 triệu USD ngân sách dành cho hoạt động này, song Đại sứ Haley cho rằng chính quyền Mỹ còn muốn giảm hơn nữa.

Ngân sách gìn giữ hòa bình trong năm 2017-2018 là 6,8 tỷ USD với 10 quốc gia đóng góp chính. Sau Mỹ, Trung Quốc là nước đóng nhiều thứ hai, trang trải 10,25% ngân sách, tiếp đến là Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Nga, Italy, Canada và Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục