Việt Nam kêu gọi tạo thuận lợi cho tiếp cận nhân đạo ở Ethiopia

Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của luật nhân đạo quốc tế để ngăn chặn nạn đói xảy ra ở Ethiopia, dỡ bỏ các giới hạn và tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận nhân đạo.
Trẻ em tại trại tị nạn ở Mekele, khu vực Tigray, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/11, trước các diễn biến quân sự căng thẳng tại Ethiopia, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp, nghe báo cáo về tình hình nước này với sự tham dự của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo và Đại diện cấp cao của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi về khu vực Sừng châu Phi Olusegun Obasanjo.

Tại đây, Việt Nam kêu gọi các bên cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của luật nhân đạo quốc tế không để nạn đói xảy ra tại Ethiopia.

Các báo cáo viên cho rằng tình hình hiện nay tại Ethiopia đang diễn biến theo chiều hướng xấu, nhiều khu vực căng thẳng, bạo lực tiếp diễn buộc Chính phủ nước này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Đến nay, có khoảng 7 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 5 triệu người cần hỗ trợ lương thực, 400.000 người phải sống trong nạn đói. Nhiều chuyến bay hỗ trợ nhân đạo phải dừng lại do các cuộc giao tranh và tình hình nhân đạo trong 4 tháng qua không có tiến triển.

Đại diện của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi đề nghị cần tăng cường các biện pháp bảo vệ và ngăn chặn tình trạng tấn công, bạo lực, giết hại dân thường ở các khu vực phía Bắc Ethiopia.

Bên cạnh đó, cần ủng hộ các nỗ lực của châu Phi, đặc biệt là vai trò của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Phi giúp các bên đối thoại toàn diện tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các báo cáo viên cũng đề nghị Chính phủ Ethiopia tạo mọi điều kiện cho phép tiếp cận nhân đạo và các nhân viên nhân đạo phải được thực hiện nhiệm vụ của mình phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Các nước Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về tình hình ngày một xấu đi tại Tigray và các khu vực lân cận làm ảnh hưởng đến các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại Ethiopia đồng thời yêu cầu chính phủ và các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý lo ngại tình hình ngày càng xấu đi ở Ethiopia, đặc biệt là việc tiếp tục giao tranh và mở rộng chiến sự và các hành động thù địch ở các khu vực Tigray, Amhara và Afar trong những tuần qua.

Đại diện Việt Nam kêu gọi tất cả các bên chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và khởi động đối thoại toàn diện hướng tới một lệnh ngừng bắn bền vững.

Đại diện Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo tại Ethiopia, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người dân, trong đó có 400.000 người đang sống trong hoàn cảnh cảnh khó khăn như trong nạn đói.

Đại diện Việt Nam kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của luật nhân đạo quốc tế để ngăn chặn nạn đói xảy ra, dỡ bỏ các giới hạn và tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận nhân đạo, khôi phục các dịch vụ công cộng, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ dân thường, cơ sở hạ tầng và nhân viên nhân đạo.

Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cuộc xung đột hiện nay vốn xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa về chính trị, lịch sử và sắc tộc, do đó, các bên cần đặt lợi ích người dân lên trên, ngừng giao tranh, tiến hành đối thoại, khởi động tiến trình chính trị do Ethiopia dẫn dắt.

Các nỗ lực cần hướng tới giải pháp toàn diện vì ổn định và phát triển ở Ethiopia phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

[Liên hợp quốc lo ngại về cuộc xung đột tại vùng Tigray của Ethiopia]

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đề nghị các bên liên quan kiềm chế mọi hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Việt Nam ủng hộ vai trò của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Phi về Sừng châu Phi và các nỗ lực kịp thời và mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế, các nước láng giềng, tổ chức khu vực trong hỗ trợ Ethiopia vượt qua khó khăn hiện nay trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ethiopia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục