Năm 2024, Việt Nam và Malta kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (14/1/1974-14/1/2024).
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Italy kiêm nhiệm Malta Dương Hải Hưng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về ý nghĩa sự kiện, cũng như những thành tựu hai bên đã đạt được và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.
- Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Malta trong 50 năm qua? Đâu là những thế mạnh cần phát huy?
Đại sứ Dương Hải Hưng: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 1/1974), mối quan hệ Việt Nam-Malta đã có những bước phát triển tích cực.
Hai bên đều coi trọng và quan tâm củng cố, tăng cường quan hệ chính trị, hữu nghị và tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn, trong đó có các đoàn nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam Vũ Viết Ngoạn thăm Malta (tháng 11/2014); Bộ trưởng Bộ Gia đình và Thống nhất xã hội Malta Michael Farrugia thăm Việt Nam và ký kết Bản ghi nhớ về áp dụng thủ tục hành chính trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (tháng 6/2015)...
Đặc biệt, hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc bên lề các hoạt động đa phương như nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Malta bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (tháng 7/2016); nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Xúc tiến Thương mại Malta bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 (tháng 9/2018); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm việc với Chủ tịch Quốc hội Malta Angelo Farrugia bên lề Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 147 tại Angola (tháng 10/2023)...
Hai nước đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng, tạo khung pháp lý cho việc tăng cường hợp tác song phương như Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế; Bản Ghi nhớ về áp dụng thủ tục hành chính trong lĩnh vực con nuôi quốc tế với Bộ Tư pháp Việt Nam.
Trên bình diện đa phương, hai nước đã phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.
Hai bên chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề quốc tế và ủng hộ lẫn nhau trong các kỳ ứng cử vào các diễn đàn đa phương quan trọng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)...
Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân... dù còn khiêm tốn, nhưng đang trên đà phát triển tích cực.
- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?
Đại sứ Dương Hải Hưng: Việt Nam và Malta có nhiều tiềm năng hợp tác trên cơ sở một số yếu tố thuận lợi.
Thứ nhất, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Malta là một trong những nước Tây Âu sớm công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (14/1/1974) trong lúc nhân dân Việt Nam vẫn đang tiến hành công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Từ đó đến nay, mối quan hệ song phương đều được lãnh đạo và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp, củng cố và phát triển.
Malta đánh giá cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và toàn cầu
Thứ hai, Việt Nam và Malta đều ổn định về chính trị, kinh tế phát triển năng động và đang phục hồi mạnh sau giai đoạn đại dịch COVID-19 với nhiều tiềm năng phát triển tốt.
Các cơ quan như Ủy ban châu Âu và Fitch Ratings đều đánh giá khả quan về kinh tế của Malta trong năm 2023 và triển vọng các năm tới đây.
Malta có vị trí chiến lược quan trọng, là điểm trung chuyển hàng hóa, hệ thống thanh toán quốc tế an toàn giữa châu Âu và châu Phi.
Malta có nhiều thế mạnh trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hàng hải quốc tế mà Việt Nam có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác.
Trong khi đó, chính giới cũng như giới doanh nghiệp Malta đều đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là quan tâm tới thị trường lớn cũng như vị thế địa kinh tế của Việt Nam.
Thứ ba, cả hai nước đều chia sẻ nhiều điểm tương đồng về điều kiện và định hướng phát triển.
Việt Nam và Malta đều là các "quốc gia biển," là thành viên của các tổ chức khu vực có mức độ liên kết cao là ASEAN và EU.
Hai nước đều coi trọng thúc đẩy hội nhập quốc tế, kết nối và thương mại quốc tế.
Đồng thời, với tính bổ sung trong cơ cấu kinh tế, Việt Nam và Malta có tiềm năng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, các ngành dịch vụ ngân hàng, tài chính, giáo dục, du lịch, sửa chữa tàu/máy bay, dịch vụ quản lý hàng hải và hàng không, y tế, hậu cần...
Ngoài ra, hợp tác lao động cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng trong bối cảnh khoảng 25% số lao động tại Malta là người nước ngoài; số lượng lao động nước ngoài tăng từ 9.500 người năm 2009 lên gần 78.000 người vào cuối năm 2021.
Thứ tư, hiện đang có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa hai nước khi các khuôn khổ hợp tác đã và đang được hoàn tất như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), Thỏa thuận Vận tải Hàng không ASEAN-EU (AE CATA)...
Thứ năm, hai nước chia sẻ quan tâm, quan điểm và lợi ích trên nhiều vấn đề quốc tế như duy trì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; ủng hộ chủ nghĩa đa phương; duy trì luật pháp quốc tế và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; an ninh hàng hải; biến đổi khí hậu...
Việt Nam và Malta đã có nhiều hợp tác hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương thông qua nhiều cơ chế như hợp tác ASEAN-EU, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc...
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục phát huy sự phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như đào tạo chuyên gia về chuyên ngành luật (Viện Nghiên cứu Luật Biển của IMO đặt tại Malta); tăng cường tham vấn, chia sẻ thông tin về tình hình khu vực, thế giới và trên các vấn đề hai bên cùng quan tâm...
- Thưa Đại sứ, trong năm nay, Việt Nam và Malta đã phối hợp với nhau như thế nào để tổ chức kỷ niệm sự kiện này tại hai nước?
Đại sứ Dương Hải Hưng: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Malta, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi thư và điện mừng.
Hiện nay, Đại sứ quán đang tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao, các vấn đề châu Âu và thương mại Malta cùng các đối tác tại Malta như Phòng Thương mại, Tổ chức văn hóa Spazju Kreattiv và các đối tác khác để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước tại Malta nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam, xúc tiến đầu tư thương mại và thúc đẩy ngoại giao nhân dân, qua đó góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa tình cảm hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết và các cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Malta.
- Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới? Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam với Malta trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo?
Đại sứ Dương Hải Hưng: Để quan hệ giữa Việt Nam và Malta phát triển hơn nữa trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục coi trọng và nuôi dưỡng nền tảng của quan hệ hợp tác, đó là mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp trong suốt nửa thế kỷ qua.
Trên nền tảng đó, tạo các động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương phát triển tích cực, mạnh mẽ trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, về chính trị, hai nước cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, các kênh, quan trọng nhất là đoàn cấp cao thông qua các chuyến thăm song phương và tại các diễn đàn đa phương; tiếp tục tăng cường sự gần gũi và mức độ tin cậy chính trị trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp sẵn có; thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các bộ, ngành của hai bên trong các lĩnh vực cả hai cùng quan tâm và có lợi ích; thúc đẩy ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhân dân.
Tiếp tục phối hợp chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm lập trường, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế...
Thứ hai, bên cạnh việc phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hai nước cần thúc đẩy hợp tác thực chất về kinh tế.
Trước mắt, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) cần sớm được phê chuẩn đầy đủ nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi giúp khuyến khích các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm ăn với nhau.
Hai bên cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam tại Malta và ngược lại.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như du lịch, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, lao động...
Malta có thế mạnh trong việc đào tạo nhân lực trong các ngành dịch vụ, tiếng Anh (với gần 100 trung tâm đào tạo tiếng Anh), chuyên gia Luật Biển và ngành hàng hải.
Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa như nghệ thuật, điện ảnh, ẩm thực... nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Malta.
Với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp nêu trên, tôi tin rằng quan hệ hai bên sẽ phát triển nhanh chóng, tích cực hơn nữa trong thời gian tới, phù hợp với mong muốn và lợi ích của hai nước.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.