Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chiều 7/2, tại trường Quản lý FORE ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách “Việt Nam: Ngôi sao châu Á vươn lên từ tro tàn chiến tranh.”
Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, các tác giả cuốn sách là Giám đốc trường Quản lý FORE, tiến sỹ Jitendra Das, tiến sỹHitesh Arora cùng hàng trăm sinh viên của trường.
“Việt Nam: Ngôi sao châu Á vươn lên từ tro tàn chiến tranh” là cuốn sách bìa cứng, dày hơn 160 trang được nhà xuất bản Bloomsburry thiết kế và in ấn trang trọng.
Cuốn sách do nhiều tác giả viết, được tiến sỹ Das và Arora biên tập.
Nội dung cuốn sách tập trung vào lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, trong đó đáng chú là về thị trường chứng khoán; những cải cách hệ thống tài chính; tác động của FDI; vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế; những sáng tạo và đổi mới ở Việt Nam; những cơ hội và thách thức trong kinh doanh trên mạng ở Việt Nam; so sánh chất lượng kỹ năng của người Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam với người Mỹ bản địa; và xu hướng mua sắm tiêu dùng ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, tiến sỹ Das cho biết nhờ có công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã từ một nước bị chiến tranh tàn phá trở thành đất nước có nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực trong vài năm qua.
Cũng giống như Ấn Độ, dù nền kinh tế toàn cầu sụt giảm song tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2015 vẫn tương đối vững mạnh.
Ông Das còn cho rằng Việt Nam ngày càng chủ động tham gia gần như tất cả các thỏa thuận quốc tế và khu vực chủ chốt và đã trở thành một đối tác tin cậy đối với nhiều cơ chế và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Ấn Độ.
Việt Nam đã và đang nổi lên là một điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với các công ty của Ấn Độ.
Và cuốn sách được ra mắt ngày hôm nay sẽ phản ánh nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam được nhiều người quan tâm, từ các vấn đề lớn của cải cách hệ thống tài chính, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vị thế của phụ nữ tới các vấn đề cụ thể hơn trong đó có thương mại điện tử, lối sống của người tiêu dùng.
Tại buổi lễ, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết sau khi giành độc lập năm 1945, Việt Nam đã trải qua 3 cuộc chiến tranh xâm lược và nền kinh tế đã bị phá hủy nặng nề và đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Kể từ năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu công cuộc Đổi mới để hướng tới thị trường quốc tế.
Cụ thể, Việt Nam đã bắt đầu thúc đẩy phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều tổ chức kinh tế khác trên thế giới.
Với công cuộc Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã dần được thay đổi và cải thiện. Hiện, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động trên thế giới.
Trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã và đang tăng trưởng trung bình từ 6-7%.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết thêm mặc dù gặt hái được nhiều thành công, song Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường và các nguồn đầu tư nước ngoài.
Vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tái cấu trúc nền kinh tế để nền kinh tế của mình trở nên cân bằng và bền vững hơn mà trọng tâm sẽ là cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có cơ sở hạ tầng hiện đại.
Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo hai nước đã quyết định hợp tác kinh tế là một lĩnh vực chiến lược trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa mới được thiết lập giữa hai nước.
Với những tiềm năng lớn và mối quan hệ chính trị giữa hai nước, Đại sứ bày tỏ tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Về cuốn sách ra mắt, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng đây là cuốn sách rất hữu ích cho các sinh viên và những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về Việt Nam, đồng thời khẳng định cuốn sách này được giới thiệu vào thời điểm rất có ý nghĩa khi Việt Nam và Ấn Độ đang kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 7/2007-7/2017)./.