Việt Nam phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Du thuyền trên vịnh Hạ Long, (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Việt Nam sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế, bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch truyền thống chủ đạo.

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm chính như du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch đô thị; du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao và các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng khác như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền và du lịch làm đẹp.

Đặc biệt, tập trung khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển.

Phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế như Vinpearl Hòn Tằm, Vinpearl Nam Hội An, Amanoi Ninh Thuận, “Thiên đường nghỉ dưỡng” phía Nam đảo Phú Quốc.

Phát huy các giá trị văn hóa vùng, miền làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực như Chuyến tàu di sản Huế-Đà Nẵng, tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội-Điểm về nguồn cội," kết nối 3 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Con đường di sản miền Trung,...; kết nối các di sản Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới; gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa.

Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên các lợi thế về tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn biển như Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải, Làng Tân Hóa - Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023, tour tham quan bằng xe điện xem đom đóm và động vật hoang dã vào ban đêm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương,...; coi trọng phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái miệt vườn, sinh thái hang động, sông hồ.

Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm gồm Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; các đô thị đặc thù như Đô thị Di sản Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên-Huế); các 5 đô thị trọng điểm phát triển du lịch, như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm như Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long,” Tour “Đêm Thiêng Liêng” tại Di tích Nhà Tù Hỏa Lò, các tuyến xe buýt city tour Hop on-Hop off.

Phát triển các loại hình du lịch mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với những xu hướng mới của thị trường: du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch giáo dục; du lịch du thuyền; du lịch công nghiệp.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội theo vùng; hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và tạo dựng thương hiệu du lịch vùng trên cơ sở tăng cường liên kết vùng.

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm.

Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục