Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, sáng 11/7, những hoạt động đầu tiên của các bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan đã diễn ra tại Jakarta (Indonesia).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và phiên đối thoại với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).
Ủy ban Hiệp ước SEANWFZ đã nghe Tổng Thư ký ASEAN báo cáo tình hình triển khai Kế hoạch Hành động SEANWFZ giai đoạn 2023-2027, hoan nghênh các kết quả đạt được trong thúc đẩy an ninh, an toàn hạt nhân cũng như trong hợp tác ASEAN với các đối tác, nhất trí tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho việc các nước có vũ khí hạt nhân tham gia hiệp ước.
[Hội nghị AMM-56 bắt đầu chương trình nghị sự đối ngoại quan trọng]
Đặc biệt, trong bối cảnh chứng kiến nhiều biến động và thách thức, kể cả nguy cơ xung đột hạt nhân, các bộ trưởng một lần nữa khẳng định ý chí chính trị của các nước tham gia Hiệp ước duy trì mục tiêu của SEANWFZ, tham vấn, đối thoại vì một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Các bộ trưởng thông qua Tài liệu khái niệm về các sáng kiến hợp tác chung giữa ASEAN và Cơ quan Ngăn cấm Vũ khí hạt nhân tại Mỹ Latinh và Caribe (OPANAL), góp phần nâng cao giá trị của Hiệp ước SEANWFZ, đồng thời đóng góp vào các nỗ lực chung chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị.
Chia sẻ tầm quan trọng của SEANWFZ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao giá trị và vị thế của hiệp ước trong bối cảnh phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay, khẳng định cam kết và quyết tâm của Việt Nam triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động Hiệp ước và nhất trí cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư SEANWFZ.
Cũng trong sáng 11/7, các bộ trưởng đã có phiên đối thoại với Ủy ban AICHR.
Với 15 hoạt động trong năm qua, Ủy ban AICHR đã thúc đẩy hợp tác về quyền con người đạt kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực như quyền của người khuyết tật, quyền trẻ em, biến đổi khí hậu, quyền môi trường...
Thông qua tham vấn, hỗ trợ chính sách cho các cơ quan chuyên ngành và các chuyến đi thực tế, AICHR có cơ hội trao đổi, lắng nghe ý kiến và quan tâm của nhiều nhóm, giới, góp phần thiết thực đưa Cộng đồng ASEAN đến gần hơn với người dân và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Các bộ trưởng ngoại giao nhấn mạnh thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là nội dung và mục tiêu xuyên suốt của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Trước tác động thuận-nghịch của nhiều vấn đề đang nổi lên hiện nay, ảnh hưởng sâu sắc đến quyền con người, các bộ trưởng nhấn mạnh AICHR, với vai trò và nhiệm vụ được giao cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tham vấn và đối thoại liên ngành để xây dựng giải pháp thấu đáo, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân và phù hợp với quan tâm chung của khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao nỗ lực của AICHR và kết quả triển khai Kế hoạch Công tác 2021-2025, đề nghị AICHR duy trì cách tiếp cận tiệm tiến, phù hợp với quan tâm của các nước; triển khai các hoạt động hợp tác với các đối tác trên tinh thần xây dựng, thiện chí, phù hợp với nguyên tắc, quy trình và thủ tục của ASEAN./.